Nhân lên lợi nhuận
Tạo việc làm, tăng thu nhập
Thị trấn Kép, huyện Lạng Giang có diện tích đất nông nghiệp ít. Để tăng thu nhập, cùng với cấy lúa, nhiều hộ dân chuyển sang kinh doanh nhưng còn thiếu vốn đầu tư. Tháo gỡ khó khăn này, NHCSXH huyện đã triển khai rộng rãi chương trình vốn vay GQVL.
Cách đây 2 năm, hai vợ chồng chị Vũ Thị Thủy, khu I, thị trấn Kép mới bước vào kinh doanh đồ mộc. Vốn ít, kinh nghiệm chưa nhiều nên gặp không ít trở ngại. Tuy nhiên, cơ sở của chị luôn chú trọng chất lượng, sản phẩm bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật. Nhờ vậy đã tạo được chữ tín với khách hàng. Vợ chồng chị có ý định mở rộng quy mô kinh doanh song đất ở chật hẹp, nguồn vốn có hạn.
Chị Thủy cho biết: “Thời điểm ấy, trong lúc khó khăn, tôi được NHCSXH huyện Lạng Giang cho vay 50 triệu đồng từ vốn GQVL với lãi suất ưu đãi 0,55%/tháng trong 3 năm để thêm vào mua nguyên liệu, thiết bị, góp vốn mở rộng xưởng”.
Từ đó đến nay, hoạt động kinh doanh ngày càng thuận lợi, các loại bàn ghế, tủ, kệ nhà chị được bán đi nhiều tỉnh, doanh thu đạt 3 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, cơ sở mộc còn tạo việc làm cho 15 lao động, thu nhập 7 - 10 triệu đồng/tháng. Tương tự, chị Nguyễn Thị Hạnh ở thôn 10, xã An Hà cũng được vay vốn GQVL để làm chuồng trại nuôi thỏ, thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm.
Tại xã Vũ Xá, huyện Lục Nam có 36 hộ được vay vốn GQVL, từ 20 - 50 triệu đồng/hộ để đầu tư làm nghề hàn xì, đồ mộc, chăm sóc cây ăn quả, mua ô tô kinh doanh vận tải. Theo ông Ngô Gia Quát - Giám đốc NHCSXH tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 3 nghìn hộ được vay vốn GQVL với dư nợ hơn 100 tỷ đồng. Mỗi hộ được vay 20 - 50 triệu đồng từ 2 - 5 năm với lãi suất 0,55% /tháng.
Quản lý chặt nguồn vốn
Vốn vay GQVL có ý nghĩa xã hội lớn, giúp nhiều hộ, cơ sở duy trì và phát triển sản xuất, gia tăng lợi nhuận. NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, NHCSXH các huyện, thành phố làm tốt công tác phối hợp giải ngân.
Ông Nguyễn Việt Trung - Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng NHCSXH tỉnh cho biết, để hộ nghèo tiếp cận với vốn ưu đãi thuận lợi, quy trình giải ngân được thực hiện nhanh song phải chặt chẽ mới phát huy hiệu quả đồng vốn.
Trước khi cho vay, Tổ tiết kiệm và vay vốn do các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác của NHCSXH các huyện, thành phố tổ chức rà soát, lựa chọn đúng đối tượng, sau đó trình UBND xã xác nhận tính khả thi của dự án. Dự án đủ điều kiện, trong vòng 15 ngày sau khi thẩm định, người lao động sẽ được vay vốn và không cần bất cứ tài sản bảo đảm nào.
Không chỉ vậy, việc kiểm soát chặt chẽ vốn cho vay được quan tâm. Trong vòng 30 ngày sau khi giải ngân, NHCSXH các huyện, thành phố cử cán bộ trực tiếp kiểm tra từng dự án, tránh tình trạng sử dụng sai mục đích. Trường hợp sử dụng vốn không đúng mục đích sẽ bị thu hồi.
Qua khảo sát thực tế, nhu cầu vay vốn GQVL tại tỉnh Bắc Giang rất lớn nhưng vốn ủy thác còn hạn chế. Nhiều hộ dân kiến nghị các cơ quan chức năng nâng mức cho vay để có vốn đầu tư phát triển SXKD.
Theo Minh Linh Báo Bắc Giang
Các tin bài khác
- » Hiệu quả chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo tại Bắc Ninh
- » Bí quyết thoát nghèo của nông dân Long Phước
- » Tình người sau lũ
- » Những người lính ở Nam Đàn trên mặt trận giảm nghèo
- » “Đền ơn đáp nghĩa” bằng trách nhiệm, nghĩa tình
- » CCB Bố Trạch vượt khó vươn lên từ đồng vốn chính sách
- » CCB Cao Phong giúp nhau làm kinh tế giỏi
- » Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác
- » Lan tỏa phong trào CCB làm theo lời Bác
- » Cần tạo động lực cho đồng bào DTTS phát triển kinh tế