Tiếp sức cho người nghèo
Ông Phan Văn Lanh ở thị trấn Phú Đa, trước đây làm thợ nề, mùa mưa công việc không đều nên đời sống bấp bênh. Đầu năm 2018, gia đình ông được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo, ông mua 2 con bò đang và đầu tư làm 2 vòm nấm rơm. Đến nay, đàn bò của ông có thêm 2 bê con, nấm rơm mỗi tháng thu hoạch từ 2 - 3 đợt, thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/đợt. Ông phấn khởi: “Thu nhập từ nấm rơm trả lãi ngân hàng xong vẫn còn dư tiền để cải thiện cuộc sống gia đình; ngoài công việc chính, cả nhà mỗi người một tay chăm sóc đàn bò xem như có của để dành”.
Tương tự, hộ bà Phạm Thị Xinh trú tại thị trấn Phú Đa vừa được giải ngân vốn đầu tháng 7/2018, ngoài 2 vòm nấm rơm vừa hoàn thiện; nhìn những con heo giống mới mua thả trong chuồng mới sửa sang, bắt đầu cho hành trình chuyển đổi từ nuôi heo thịt sang heo giống, bà trải lòng: “Để hỗ trợ cho việc nuôi heo, gia đình chúng tôi quyết định tận dụng mấy trăm mét vuông vườn để trồng bí đao, bí ngô… và nhiều loại rau màu theo mùa vụ, vừa tăng thu nhập vừa có thêm thức ăn cho heo”.
Trước đây, không có vốn, những gia đình như ông Lanh, bà Xinh không có điều kiện đầu tư nên không tận dụng được những lợi thế sẵn có về đất đai, sức lao động nhàn rỗi…, cái nghèo cứ đeo đẳng họ. Do quy mô sản xuất chăn nuôi mở rộng chưa lâu, những thay đổi sau khi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi hộ nghèo tuy chưa lớn, nhưng đã tạo được nhiều hy vọng cho người dân phát triển kinh tế.
Từ khi có Chỉ thị số 40, NHCSXH huyện Phú Vang đã mở rộng mạng lưới giao dịch đến tận cơ sở, tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng được tiếp cận nguồn vốn. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, NHCSXH huyện chủ động cử cán bộ tiếp cận các đối tượng vay và giám sát nguồn vốn vay thông qua các đợt kiểm tra, đối chiếu nợ… nhằm bảo đảm nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả; đồng thời, công khai chế độ chính sách tín dụng ưu đãi, lãi suất, dư nợ… để các đối tượng vừa dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vừa nắm rõ trách nhiệm vay vốn để trả nợ theo cam kết.
Công tác chỉ đạo, giám sát được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm sâu sát, việc rà soát và bổ sung các đối tượng đủ điều kiện vay vốn theo quy định được thực hiện thường xuyên và kịp thời; hoạt động ủy thác vốn vay của các hội, đoàn thể được thắt chặt; việc đôn đốc thu hồi nợ xấu, nợ đến hạn là một trong những nội dung hàng đầu được chính quyền địa phương coi trọng.
Ông Đào Bá Thuận - Giám đốc NHCSXH huyện Phú Vang thông tin: Sau 3 năm triển khai, đến nay đã có 107 hộ gia đình ở Phú Vang được tiếp cận nguồn vốn theo tinh thần Chỉ thị 40, với tổng số tiền đã giải ngân hơn 2,6 tỷ đồng. Trong đó, gói vay thuộc chương trình giải quyết việc làm hơn 2,5 tỷ đồng/97 hộ với mức vay tối đa là 50 triệu đồng/lao động (chiếm hơn 93,2% tổng nguồn vốn uỷ thác của huyện chuyển sang), đã tạo việc làm ổn định cho hơn 176 lao động nhàn rỗi và có thu nhập ổn định tại địa phương. Nhiều hộ thoát nghèo bền vững với các mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện từ hơn 7,54% năm 2016 xuống còn 6,53% vào cuối năm 2017.
Thời gian tới, cùng với các nguồn vốn TW và địa phương, NHCSXH huyện Phú Vang tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo huyện xem xét bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách địa phương để kịp thời chuyển tải đến đúng đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.
Theo Hương La Báo Thừa Thiên - Huế
Các tin bài khác
- » Nhân lên lợi nhuận
- » Hiệu quả chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo tại Bắc Ninh
- » Bí quyết thoát nghèo của nông dân Long Phước
- » Tình người sau lũ
- » Những người lính ở Nam Đàn trên mặt trận giảm nghèo
- » “Đền ơn đáp nghĩa” bằng trách nhiệm, nghĩa tình
- » CCB Bố Trạch vượt khó vươn lên từ đồng vốn chính sách
- » CCB Cao Phong giúp nhau làm kinh tế giỏi
- » Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác
- » Lan tỏa phong trào CCB làm theo lời Bác