Vĩnh Linh giảm nghèo nhanh, bền vững

12/05/2017
(VBSP News) Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Vĩnh Linh trở thành một huyện phía bắc tỉnh Quảng Trị. Trên mảnh đất luỹ thép anh hùng này có đến 68 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, tiêu biểu là 3 di tích cấp quốc gia như địa đạo Vĩnh Mốc, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, song do cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ tàn phá, nên Vĩnh Linh vẫn là một trong số miền quê nghèo khó nhất so với các vùng miền trong cả nước, đặc biệt ở vào thời điểm cuối năm 2011, 3 xã miền núi là Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà với dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều, còn có 285/368 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 77%. Mức thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 4 triệu đồng/năm. Từ lâu, đồng bào chưa có thói quen phát triển kinh tế hàng hóa, chủ yếu tự cung tự cấp vì giao thương buôn bán với thành thị, miền xuôi chưa được mở mang.
Vốn ưu đãi đồng hành cùng bà con huyện Vĩnh Linh phát triển hồ tiêu có giá trị hàng hóa cao

Vốn ưu đãi đồng hành cùng bà con huyện Vĩnh Linh phát triển hồ tiêu có giá trị hàng hóa cao

Trước thực trạng đó, lãnh đạo huyện Vĩnh Linh đưa ra Đề án giảm nghèo bền vững cho đồng bào miền núi, đồng thời động viên các ban, ngành tập trung huy động đầu tư nguồn vốn, kỹ thuật, cách thức làm ăn mới hỗ trợ giúp 3 xã nói trên. Trong 11 bản được chọn đầu tư giảm nghèo bền vững bao gồm xã Vĩnh Ô có 8 bản, Vĩnh Khê 2 bản và Vĩnh Hà 1 bản.

Việc đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững tại 11 bản của 3 xã miền núi có số hộ nghèo cao trở thành vấn đề cấp bách và có mục tiêu cụ thể, rõ ràng. Sự vào cuộc đồng bộ, khẩn trương, liên tục của các ban, ngành, các tổ chức hội, đoàn thể, trên địa bàn trong đó có NHCSXH huyện đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, tạo ra sự thay đổi diện mạo vùng quê bên dãy Trường Sơn.

Trong những năm qua, NHCSXH đã mở các Điểm giao dịch về khắp 22 xã, thị trấn trong toàn huyện Vĩnh Linh, kể cả 3 xã miền núi cách xa trung tâm huyện trên dưới 40 cây số đường rừng, đi lại khó khăn bởi đèo dốc, sông sâu, mưa nắng thất thường, giúp người nghèo và đồng bào Vân Kiều tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, đồng thời để cho cán bộ tín dụng cũng có địa bàn hoạt động an toàn gần gũi với dân hơn để thực hiện nhiệm vụ cho vay kịp thời đúng đối tượng cũng như nắm chính xác việc sử dụng vốn vay của từng hộ gia đình. Trong tổng số 78 tỷ đồng đầu tư cho 11 bản nghèo ở 3 xã vùng cao biên giới thì vốn ưu đãi do NHCSXH huyện Vĩnh Linh chiếm tới 69%. Nhờ đó, thu nhập theo đầu người năm 2016 so với năm 2012 ở các xã tăng đáng kể: Vĩnh Ô tăng 2,45 lần, Vĩnh Hà tăng 1,9 lần, Vĩnh Khê tăng 2,2 lần. Tỷ lệ hộ nghèo từ năm 2012 đến năm 2016 giảm bình quân 21,8% vốn ưu đãi cũng góp phần đắc lực xóa cơ bản nhà tạm bợ cho các hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Điển hình ở xã Vĩnh Ô là thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi người dân nghèo ở các thôn, bản đã thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất, chuyển từ phương thức sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa như trồng cây tiêu, cao su, trồng cây lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm, tạo thêm việc làm mới, tăng thu nhập.

Ông Hồ Văn Tốt - Bí thư chi bộ bản Cây Tâm, xã Vĩnh Ô cho biết: Nhờ có Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã mà số hộ dân có điều kiện thuận lợi chủ động làm kinh tế vườn đồi, vườn rừng. Tỷ lệ hộ khá giả cũng tăng nhanh, năm sau nhiều hơn năm trước.

Ông Hồ Văn Tốt còn dẫn chứng việc quản lý và sử dụng đồng vốn ưu đãi hiện nay đã được địa phương đặt ra rất cụ thể và có những giải pháp thực hiện đồng bộ, hợp lý. Cụ thể là cả bản ngày nay có 78 hộ sử dụng chung hơn 5 tỷ đồng vốn ưu đãi đầu tư SXKD, xây dựng các công trình nước sạch nhà vệ sinh hợp lý, trong đó 50% vốn vay được người dân nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn được vay vốn ưu đãi với lãi suất có 0,1% dành cho hộ đồng bào DTDT đặc biệt khó khăn để khai hoang phục hóa trồng lúa nước, bắp lai, chăn nuôi trâu bò sinh sản. Một trong số hộ đã thoát nghèo bền vững từ các chương trình vay vốn của NHCSXH huyện Vĩnh Linh phải kể đến gia đình anh Hồ Quyết và chị Hồ Thị Hoài ở xã Vĩnh Ô đã sử dụng 68 triệu đồng vay của 3 chương trình cho vay hộ nghèo, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn để tiến hành trồng cao su tiểu điền, chăn nuôi bò sinh sản. Đến giờ này anh, chị đã thoát nghèo và xây dựng nhà cửa khang trang.

Cũng ở bên dãy Trường Sơn này, chàng trai người Vân Kiều Hồ Đức Phả ở xã Vĩnh Khê đã tiến hành vay vốn hộ nghèo đầu tư chăn nuôi với mô hình 5 con trâu, 1 hồ cá để mỗi năm thu lãi ròng trên 20 triệu đồng. Anh còn vay vốn ưu đãi tham gia dự án “Tăng cường năng lực lâm nghiệp trồng được 4ha rừng thông, keo lá chàm. Từ sự năng động sản xuất với đồng vốn ưu đãi làm đòn bẩy, Hồ Đức Phả trở nên khá giả, đạt danh hiệu thị đua “Thanh niên lập nghiệp, lập thân, sản xuất giỏi” cấp tỉnh.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo huyện và sự góp phần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của NHCSXH, đến nay đề án giảm nghèo bền vững cho đồng bào miền núi huyện Vĩnh Linh sau 5 năm thực hiện đã đạt được những kết quả mang tính tiền đề, mở ra cách nhìn nhận mới cho các cơ quan ban ngành, các địa phương cũng như NHCSXH tiếp tục, đầu tư, hỗ trợ hiệu quả hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Bài và ảnh Đông Thanh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác