Góp phần bảo đảm an sinh xã hội
Đến Tổ dân phố Đoài 4, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) hỏi thăm gia đình CCB Nguyễn Văn Quyết, có lẽ ai trong khu phố cũng biết, bởi nghị lực thoát nghèo của gia đình ông. Sau khi rời quân ngũ, CCB Nguyễn Văn Quyết trở về quê hương cùng vợ, con phát triển kinh tế gia đình. Do không có vốn để đầu tư buôn bán, làm nghề, nên cuộc sống của 5 thành viên trong gia đình chỉ biết trông chờ vào mấy sào ruộng. Cuộc sống của gia đình ông vốn đã vất vả lại càng cực hơn khi sức khỏe của vợ ông ngày một yếu do mắc chứng bệnh tâm thần. Từ đó, một mình ông Quyết phải làm vất vả để kiếm tiền nuôi 3 con nhỏ và chữa bệnh cho vợ. Vì vậy, gia đình ông chưa khi nào “vắng tên” trong danh sách hộ nghèo của địa phương. Qua khảo sát, năm 2010, NHCSXH huyện Yên Lạc tạo điều kiện cho ông Quyết vay 17 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để đầu tư làm nghề mộc. Từ nguồn vốn được hỗ trợ cộng với sự chịu khó làm ăn, dần dần cuộc sống của gia đình CCB Nguyễn Văn Quyết đỡ vất vả hơn. Từ thực tế SXKD và nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, NHCSXH huyện Yên Lạc tiếp tục tạo điều kiện cho ông Quyết được vay vốn với hạn mức 50 triệu đồng. Do sản xuất lấy công làm lãi và nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, nên sản phẩm gỗ của gia đình ông làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Với quyết tâm thoát khỏi danh sách hộ nghèo, đồng thời được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, nhất là vốn vay cho phát triển ngành nghề của NHCSXH, năm 2015, gia đình CCB Nguyễn Văn Quyết đã thoát nghèo, kinh tế gia đình trở nên khá giả hơn. Đến nay, gia đình ông xây được ngôi nhà khang trang, xưởng mộc cũng được đầu tư nhiều máy móc, sản xuất nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Cùng chung niềm vui như gia đình CCB Nguyễn Văn Quyết, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ được vay vốn từ NHCSXH.
Hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, NHCSXH tỉnh được xem như là cầu nối chính quyền địa phương nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, NHCSXH tỉnh tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn như: Cấp kinh phí ủy thác cho vay giải quyết việc làm và phân bổ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm hằng năm. Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh cấp 60 tỷ đồng từ ngân sách để bổ sung nguồn vốn và điều chuyển vốn tồn cho vay xuất khẩu lao động năm 2016 từ nguồn vốn tỉnh trên 17,2 tỷ đồng sang cho vay giải quyết việc làm. Theo công văn chỉ đạo của UBND tỉnh, NHCSXH tỉnh đã chủ trì, chỉ đạo NHCSXH huyện Vĩnh Tường triển khai thí điểm nâng mức vay vốn không phải đảm bảo tiền vay từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng cho lao động đi thực tập sinh, thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản thuộc 2 xã Vĩnh Thịnh, An Tường từ nguồn vốn giải quyết việc làm ủy thác qua NHCSXH với tổng nguồn vốn 6 tỷ đồng. NHCSXH tỉnh thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, nhất là củng cố 2.444 Tổ tiết kiệm và vay vốn; chỉ đạo, giám sát việc bình xét các đối tượng vay vốn, tăng cường, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay hiệu quả.
Từ đầu năm 2017 đến nay, doanh số cho vay của NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc đạt trên 199 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hộ nghèo trên 38 tỷ đồng; hộ cận nghèo gần 59 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo gần 38 tỷ đồng, trên 5 tỷ đồng cho giải quyết việc làm… Tổng dư nợ đến nay đạt trên 2.205 tỷ đồng, tăng trên 215 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016. Trong kỳ đã có trên 6.800 lượt người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn vay từ NHCSXH tỉnh, trong đó, cho vay trên 800 lượt hộ nghèo; trên 1.200 lượt hộ cận nghèo; giải quyết việc làm cho trên 150 lao động và gần 60 lượt hộ vay đi xuất khẩu lao động. Với việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, NHCSXH tỉnh chủ động phối hợp với tổ chức hội, đoàn thể các cấp nâng cao hoạt động ủy thác, phối hợp với các cơ quan chức năng lồng ghép các dự án giúp hộ vay sử dụng vốn hiệu quả.
Với nhiều chương trình tín dụng chính sách được áp dụng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang từng bước tạo cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Để tín dụng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả hơn nữa các cấp, các ngành cần có sự điều chỉnh phần dư nợ giữa các chương trình tín dụng; quan tâm bổ sung nguồn vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Bài và ảnh Hoàng Nga
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hiệu quả từ chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn
- » Thắp sáng ước mơ tự tin vững bước tương lai
- » Trao “cần câu”, xoay chuyển nhận thức
- » Giúp đồng bào Chăm thoát nghèo
- » Cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền để người nghèo sử dụng hiệu quả đồng vốn vay
- » NHCSXH huyện Gia Lâm: “Nói không” với nợ quá hạn
- » Tác động của nguồn vốn ưu đãi đến sinh kế của người nghèo
- » Vốn vay ưu đãi - cú hích trên cao nguyên Cư M’gar
- » Bay cao cùng những ước mơ tới trường của các LCL trên quê hương đất Tổ
- » Hơn 11,3 nghìn đối tượng chính sách trên địa bàn Ninh Thuận được vay vốn ưu đãi trong quý I/2017