Tác động của nguồn vốn ưu đãi đến sinh kế của người nghèo

24/04/2017
(VBSP News) Những năm gần đây, nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua NHCSXH ngày càng phát huy vai trò tích cực, góp phần quan trọng thực hiện tốt các mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Vốn ưu đãi đã đến kịp thời, tiếp sức cho bà con xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa phát triển SXKD

Vốn ưu đãi đã đến kịp thời, tiếp sức cho bà con xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa phát triển SXKD

Từ sự quyết tâm của chính quyền

Bắc Giang là tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Bộ với 6 huyện miền núi, 230 xã, phường, thị trấn, trong đó có 78 xã thuộc vùng khó khăn, dân số gần 1,6 triệu người, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 12% dân số của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo khá cao so với bình quân chung toàn quốc.

Theo kết quả điều tra, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh là 60.741 hộ, chiếm tỷ lệ 13,93%; hộ cận nghèo 35.720 hộ, chiếm tỷ lệ 8,19%. Các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao như: Sơn Động chiếm 50,81%; Lục Ngạn 21%; Lục Nam 21,06%; Yên Thế 20,82%…

Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Giang Trương Đức Huấn, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Bắc Giang nên cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Theo đó, Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp rà soát, nắm tình hình từng hộ, kịp thời đề xuất hướng hỗ trợ phù hợp. Tỉnh ưu tiên phần lớn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo phân bổ cho vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giảm dần khoảng cách giữa các địa phương, tạo cơ hội thoát nghèo cho bà con.

Là đơn vị có nhiệm vụ thực hiện chính sách tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách, Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Giang Ngô Gia Quát cho biết: Chi nhánh đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện Quyết định số 401 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trọng tâm tham mưu bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương cho NHCSXH. Hằng năm, UBND tỉnh và các huyện, thành phố đều dành vốn ngân sách năm sau cao hơn năm trước chuyển sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, nguồn vốn này đến hết năm 2016 đạt 73,6 tỷ đồng, 100% các huyện đều chuyển vốn.

Riêng năm 2017, UBND tỉnh Bắc Giang đã dành 6 tỷ đồng ngân sách ủy thác qua NHCSXH tỉnh để cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách. Trong đó, giao 2 tỷ đồng cho NHCSXH tỉnh; 1,5 tỷ đồng cho huyện Yên Dũng; 600 triệu đồng cho huyện Tân Yên cho vay chương trình giải quyết việc làm. Đồng thời giao 1,2 tỷ đồng cho huyện Sơn Động, 450 triệu đồng cho huyện Lục Ngạn, 250 triệu đồng huyện Lục Nam cho vay chương trình hộ nghèo.

“Nguồn sinh kế này trao cơ hội giúp 115.961 người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên, song cần rà soát, ưu tiên đối tượng có điều kiện về sức khỏe, quyết tâm và ý thức tự lực thoát nghèo, trách nhiệm với đồng vốn được vay. Bên cạnh đó, chi nhánh sẽ tích cực chủ động nguồn vốn của Trung ương và đặc biệt là làm tốt hơn việc huy động tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã, huy động tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn”, Giám đốc NHCSXH tỉnh thông tin.

… đến sự ổn định của hàng nghìn hộ nghèo

Theo chân cán bộ NHCSXH huyện Hiệp Hòa, chúng tôi tới thăm gia đình chị Nguyễn Thị Bé ở thôn Bái Thượng, xã Đoan Bái là một trong những người sử dụng hiệu quả vốn vay tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế. Qua trò chuyện, chị chia sẻ: “Hơn ba năm trước, gia đình được xét thoát khỏi diện nghèo. Khi trả hết số tiền vay thì lại thiếu vốn để phát triển kinh tế, cộng với việc nuôi các con đang tuổi ăn học khiến gia đình đứng trước nguy cơ tái nghèo. Cuối năm 2013, được NHCSXH huyện Hiệp Hòa cho vay 25 triệu đồng từ vốn vay chương trình hộ cận nghèo, sau khi bàn bạc, hai vợ chồng mua một cặp trâu. Con trâu vừa để cày ruộng, vừa cho sinh lời từ 2 con nghé”. Đến nay, gia đình chị Bé không những có điều kiện cất nếp nhà khang trang mà con cái cũng được theo học đầy đủ.

Ông Trần Văn Xuyên ở thôn Thanh Lâm, xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa vay 30 triệu đồng từ NHCSXH để chăn nuôi bò, mang lại giá trị kinh tế cao

Ông Trần Văn Xuyên ở thôn Thanh Lâm, xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa vay 30 triệu đồng từ NHCSXH để chăn nuôi bò, mang lại giá trị kinh tế cao

Trước đây, do thiếu vốn, lại lúng túng trong lựa chọn cây, con để sản xuất nên gia đình chị Trần Thị Huyên ở thôn Ngọ Khổng, xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa rất khó khăn. Năm 2011, được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện đứng ra tín chấp với NHCSXH để gia đình chị Huyên được vay 10 triệu đồng vốn ưu đãi đầu tư chăn nuôi gia cầm. Sau 3 năm chăm chỉ làm ăn và tiết kiệm, gia đình chị Huyên đã hoàn trả vốn đúng hạn và tiếp tục được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng mở rộng chuồng trại thường xuyên nuôi 4 con lợn nái, hơn 10 con lợn thịt và 200 con gà, ngan. Hiện nay, gai đình chị Huyên đã được xét thoát nghèo và còn xây dựng được cơ ngơi khang trang, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt.

Cùng với chị Huyên, xã Châu Minh còn hàng trăm gia đình hội viên phụ nữ được vay vốn đã thoát nghèo. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngọ Thị Tuyết cho biết: “Hội Phụ nữ xã Châu Minh hiện đang quản lý 13 Tổ tiết kiệm và vay vốn có tổng dư nợ vốn chính sách đạt hơn 17 tỷ đồng với 750 hộ hội viên vay vốn. Tỷ lệ hoàn trả đúng hạn của phụ nữ xã đạt 99%. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, bình quân mỗi năm có khoảng 20 hộ thoát nghèo”.

Đánh giá về vai trò của nguồn vốn tín dụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa Tạ Việt Hùng cho biết: Hiện nay, kinh tế của các hộ gia đình được tiếp sức bởi nguồn vốn tín dụng chính sách đều có sự phát triển hơn so với lúc chưa có vốn. Chính nguồn vốn vay đã tạo đà để họ vươn lên, chủ động SXKD, tạo thêm nguồn thu chăm lo cho cuộc sống gia đình; đồng thời giúp họ tham gia tích cực và trách nhiệm hơn vào các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Mỗi gia đình khá giả hơn sẽ là tiền đề quan trọng để huy động nguồn lực trong dân hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Đến nay, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn huyện Hiệp Hòa đạt gần 407 tỷ đồng; qua đó góp phần giúp cho 2.314 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất; 682 hộ xây dựng gần 1.400 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 350 hộ gia đình vay vốn trang trải chi phí học tập cho HSSV.

Bài và ảnh Hồ Khánh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác