Vốn vay ưu đãi - cú hích trên cao nguyên Cư M’gar

24/04/2017
(VBSP News) Huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) vốn có tỷ lệ hộ nghèo cao, tập trung chủ yếu ở những nơi đồng bào dân tộc Ê Đê, Xê Đăng sinh sống và có đến 3/4 số xã nằm trong vùng 3, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, ngày nay bộ mặt của các buôn làng giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ này đã khởi sắc, đổi thay không ngừng. Đường giao thông liên xã, liên huyện mới mở rộng, đảm bảo thông suốt cả trong mùa mưa lũ. Đông đảo hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tiếp cận thuận lợi với nguồn vồn ưu đãi của Nhà nước để kịp thời đầu tư vào mùa vụ trồng cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi gia súc, gia cầm...

Tại buổi họp Tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ viên được tuyên truyền về tín dụng chính sách, lồng ghép việc sử dụng nguồn vốn vay với công tác khuyến nông, khuyến lâm, đưa KHKT vào sản xuất

Tại buổi họp Tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ viên được tuyên truyền về tín dụng chính sách, lồng ghép việc sử dụng nguồn vốn vay với công tác khuyến nông, khuyến lâm, đưa KHKT vào sản xuất

Giám đốc NHCSXH huyện Cư M’gar Lê Văn Nhạn cho hay, thời gian qua đơn vị đã thường xuyên phối hợp với chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể các cấp tổ chức tập huấn, tuyên truyền công tác tín dụng chính sách, lồng ghép việc sử dụng nguồn vốn vay với công tác khuyến nông, khuyến lâm, đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất, kiện toàn củng cố mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các buôn làng và duy trì hoạt động của hệ thống Điểm giao dịch tại xã. Đây chính là “cầu nối” vững chắc của NHCSXH góp phần chuyển tải nhanh chóng vốn ưu đãi đến đúng địa chỉ và về tận vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Chúng tôi đến xã Cư Suê, tai nghe mắt thấy tấm gương vượt khó làm kinh tế giỏi của chàng trai dân tộc Ê Đê, đó là Y Nên, ở buôn SMay. Gia đình anh Y Nên trước đây còn nghèo khó, thiếu thốn bộn bề, ngày ngày 2 vợ chồng chỉ biết loay hoay trồng mỳ ngoài nương rẫy và khuân thuê, vác mướn.

Hộ nghèo ở Cư M’gar vay vốn trồng cà phê

Hộ nghèo ở Cư M’gar vay vốn trồng cà phê

Năm 2012, được sự giúp đỡ, vận động của chính quyền, địa phương, Y Nên đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi từ chương trình hộ nghèo để mua cây giống, phân bón, khai phá đất đồi trồng hồ tiêu, cà phê. Sau 4 năm cần cù lao động, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa bệnh chu đáo, vườn cây của gia đình anh thu hoạch được mùa, được giá, lãi ròng tới 180 triệu đồng/năm. Đầu năm nay, Y Nên hoàn trả nợ, lãi đầy đủ cho ngân hàng và vẫn còn tiền mua sắm thêm máy cày đất, tưới nước phục vụ nghề thâm canh vườn cây cà phê, hồ tiêu.

Cũng tại xã Cư M’gar. Chúng tôi còn chứng kiến gia đình chị Huỳnh Thị Nhẫn từ Bình Định lên Tây Nguyên lập nghiệp, được chi hội phụ nữ thôn 4 giúp đỡ làm thủ tục vay 30 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư nuôi bò sinh sản, khai hoang vỡ đất trồng mít, trồng bơ. Bên cạnh đó, mỗi khi xã mở lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, chị đều tham dự, thăm quan các mô hình làm kinh tế giỏi. Nhờ vậy mà gia đình chị thoát nghèo. Dẫu vậy, nguyện vọng của chị Nhẫn là muốn được vay thêm vốn để đầu tư mở rộng cơ sở chuồng trại chăn nuôi gia cầm, vườn cây ăn quả để ổn định kinh tế lâu dài.

“Đồng vốn chính sách đối với chị em phụ nữ xã, tôi thấy rất hiệu quả bởi một lẽ trước do thiếu vốn và chưa vay được vốn thì chị em phụ nữ nghèo chiếm khá cao, đến gần 100 chị em phụ nữ là hộ nghèo. Sau khi tiếp cận được vốn và sử dụng vốn chính sách của Nhà nước vào sản xuất, đến nay toàn xã chỉ còn 31 chị em là chủ hộ nghèo”, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hơ Linh cho biết.

Nguồn vốn chính sách như một “cú hích” cho sự phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững ở huyện Cư M’gar nói riêng và vùng Tây Nguyên rộng lớn nói chung. Bên cạnh đó, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn kể từ khi triển khai Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tín dụng chính sách xã hội đã làm thay đổi nhận thức của người dân nơi đây. Từ thụ động trong cách làm kinh tế, người dân đã biết sử dụng vốn chính sách và đưa tiến bộ kỹ thuật vào phát triển sản xuất, xây dựng những mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả.

Hiện nay tổng dư nợ cho vay uỷ thác qua các hội, đoàn thể đạt 268 tỷ đồng với 9.160 lượt hộ vay vốn. Thời gian tới, NHCSXH huyện Cư M’gar sẽ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể của địa phương để tổ chức thực hiện hiệu quả hơn các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đồng bào tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Trần Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác