Trao “cần câu”, xoay chuyển nhận thức

04/05/2017
(VBSP News) Hơn 61% số hộ đồng bào DTTS ở huyện Đắk Pơ (Gia Lai) được tiếp cận nguồn vốn chính sách là kết quả sau nhiều năm nỗ lực vận động, khai thông. Hiệu quả vốn vay thể hiện ở việc bà con đã biết dùng đồng vốn phát triển kinh tế gia đình. Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn không ít hộ có tâm lý ngại đi vay, điều này đang đặt ra cho huyện nhiều khó khăn trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS...
Nhờ có vốn vay, nhiều hộ đồng bào DTTS đã biết cách làm ăn hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình

Nhờ có vốn vay, nhiều hộ đồng bào DTTS đã biết cách làm ăn hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình

Đòn bẩy thoát nghèo

Cũng như nhiều gia đình khác, hộ anh Đinh Sấp ở làng Leng Tô, thị trấn Đắk Pơ, huyện Đắk Pơ thuộc diện nghèo khó, sản xuất chỉ dựa vào mấy sào đất rẫy trồng mì, ngoài thời gian sản xuất anh còn đi làm thuê nhưng thu nhập rất bấp bênh, không đủ trang trải cuộc sống. Đến năm 2012, được NHCSXH huyện Đắk Pơ vận động và cho vay vốn, đời sống gia đình anh đã có sự đổi thay từ đó. Anh Đinh Sấp chia sẻ: “Sau khi bàn bạc với gia đình về quyết định vay vốn của mình, ai cũng thấy lo nên lúc đó cán bộ ngân hàng hướng dẫn làm thủ tục mình chỉ dám vay 15 triệu đồng để mua bò sinh sản về nuôi. Một năm sau bò mẹ đẻ ra bê, tôi bán lấy tiền trả hết nợ ngân hàng, sau đó tôi tiếp tục vay 40 triệu đồng mua thêm 3 con bò nữa, giờ đã lãi thành 6 con”.

Giờ đây, hộ anh Đinh Sấp đã thoát nghèo, có tiền để sửa sang nhà cửa, mua sắm vật dụng sinh hoạt. Thấy vậy, nhiều gia đình trong làng học hỏi làm theo. Từ chỗ chỉ có vài hộ vay, đến nay làng Leng Tô đã thành lập được 2 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 107/146 hộ vay vốn NHCSXH với mức vay từ 15 - 50 triệu đồng/hộ. Cũng từ 30 triệu đồng vốn vay, gia đình ông Đinh Đen đã đầu tư sản xuất 1ha mía, chăn nuôi bò, cuộc sống không những thoát cảnh nghèo khó mà quy mô sản xuất đã mở rộng, ông có tích lũy để đầu tư mua xe máy cày cho thuê.

Ông Nguyễn Quốc Hương - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đắk Pơ cho biết: “Hiện nay, các hộ đồng bào DTTS nghèo đa phần là các hộ thiếu đất sản xuất. Thông qua các kênh vốn tại địa phương, nhất là nguồn vốn chính sách đã giúp những hộ thiếu đất sản xuất chuyển đổi từ trồng trọt sang chăn nuôi bò, góp phần tạo việc làm, cải thiện cuộc sống. Nhờ đó, số hộ nghèo của thị trấn giảm bình quân 3,5%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS giảm đáng kể.

Không riêng thị trấn Đắk Pơ, kinh tế của bà con vùng đồng bào DTTS ở 7 xã còn lại trên địa bàn cũng có sự đổi thay thấy rõ. Nhà nào có đất sản xuất thì đầu tư trồng mía, nhà nào ít đất thì kết hợp chăn nuôi. Đa phần vốn vay sử dụng đúng mục đích, chủ yếu được bà con đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, trồng mía mang lại hiệu quả kinh tế. Nhờ vốn vay, nhiều hộ đã thoát nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm xuống còn 16,76%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 6,34% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020).

Trao “cần câu”, xoay chuyển nhận thức

Theo thống kê, đến nay đã có 61,2% số hộ đồng bào DTTS trên địa bàn được tiếp cận vốn vay từ NHCSXH huyện với dư nợ trên 27 tỷ đồng/165 tỷ đồng tổng dư nợ với 1.366 hộ đồng bào DTTS. Tuy nhiên, qua khảo sát, hiện có 397 hộ đủ điều kiện vay vốn nhưng không có nhu cầu vay (chiếm 17,8% tổng số hộ toàn huyện), hộ không đủ điều kiện vay vốn như già cả, neo đơn, bệnh tật là 60 hộ (chiếm 2,7% tổng số hộ toàn huyện).

Trước thực trạng nhiều hộ dân còn tâm lý ngại vay vốn, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Giám đốc NHCSXH huyện Đắk Pơ cho rằng cần thiết phải phối hợp, lồng ghép các chương trình dự án đầu tư kết hợp với vốn tín dụng chính sách để định hướng cho bà con; bên cạnh đó thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để các hộ mạnh dạn vay vốn làm ăn. Bởi, giải ngân không khó nhưng làm thế nào để phát huy hiệu quả đồng vốn mới là điều khó.

“Hiện mức vay bình quân một hộ cũng được nâng dần lên, riêng hộ đồng bào DTTS là 20 triệu đồng/hộ. Chi nhánh đang tiếp tục cập nhật hộ nghèo, hộ cận nghèo mới điều tra khảo sát trong năm để cho vay, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào DTTS được vay khi có nhu cầu và đủ điều kiện. Thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn cho vay tiếp tục tuyên truyền, thực hiện một cách dân chủ, công khai, qua đó tạo cơ hội cho bà con tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước”, bà Thảo cho biết thêm.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh - Trưởng phòng Dân tộc huyện Đắk Pơ, mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc tiếp cận vốn chính sách, song cũng còn một số hộ vay chưa biết cách làm ăn, sử dụng vốn vay không hiệu quả. Thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp cùng với các ngành, hội, đoàn thể liên quan tuyên truyền, vận động bằng cách lấy một số gương điển hình vay vốn làm ăn tốt để những bà con còn e dè sợ rủi ro có cơ hội tiếp cận, học hỏi làm theo. Song song đó, tổ chức hướng dẫn các hộ vay áp dụng KHKT vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, từng bước phát huy hiệu quả nguồn vốn, nâng cao thu nhập cho bà con. Đây cũng là vấn đề mang tính xã hội, nên cần phải có thời gian và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm từng bước xoay chuyển nhận thức cho đồng bào DTTS để họ biết cách tổ chức sản xuất thật sự hiệu quả.

Thảo Nguyên

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác