NHCSXH huyện Gia Lâm: “Nói không” với nợ quá hạn
Tổ tiết kiệm và vay vốn là “kênh” tuyên truyền
Trong hệ thống của NHCSXH thì NHCSXH huyện Gia Lâm được biết đến là đơn vị không có trường hợp vay vốn nào bị nợ quá hạn. Chính “dấu ấn” này đã thu hút sự chú ý và thôi thúc chúng tôi về thăm các mô hình vay vốn chính sách ở huyện Gia Lâm. Khá khiêm tốn về những gì mà đơn vị đã làm được, nhưng qua những câu chuyện thân tình về tín dụng chính sách, Giám đốc NHCSXH huyện Gia Lâm Đặng Văn Lâm cũng chia sẻ rằng, cho vay ưu đãi để mang lại thành công bao giờ cũng phải đặt yếu tố gần gũi người dân, bám sát cơ sở lên hàng đầu. “Chúng tôi phải thường xuyên quan tâm tới công tác kiện toàn Tổ tiết kiệm và vay vốn, đưa hoạt động của tổ đi vào nền nếp, rà soát để cho vay vốn đúng đối tượng. Hộ vay phải có phương án SKKD khả quan và với cho vay giải quyết việc làm thì phải có nhân lực thực sự tốt”, Giám đốc Lâm nói.
Bên cạnh đó, NHCSXH cũng phải thường xuyên phối hợp với các ban ngành liên quan của huyện như Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có sự kết hợp giữa các chương trình khuyến nông. Trong đó, có việc lồng ghép các chương trình khuyến nông, chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế với hoạt động vay vốn, để khi có vốn giải ngân là khách hàng có thể tổ chức sản xuất được ngay, mang lại hiệu quả. Xây dựng mạng lưới khuyến nông từ huyện đến cơ sở, hướng dẫn hội viên tham gia các đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng chuyển giao KHKT đến các hộ được vay vốn. Qua việc sinh hoạt của từng Tổ tiết kiệm và vay vốn đã trở thành kênh tuyên truyền đến từng hộ dân chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Chính sự gắn kết tính cộng đồng ở các tổ, các thôn đã giúp đỡ nhau, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, sử dụng vốn vay, tạo thành một phong trào rộng rãi trong toàn huyện.
Ngoài ra, NHCSXH cũng đã phối hợp với các cấp ủy, đẩy mạnh sự chỉ đạo, quan tâm của Đảng để triển khai Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Chính nhờ sự quan tâm của cấp ủy mà nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH để giải ngân chương trình cho vay giải quyết việc làm khá lớn. Trong số hơn 63 tỷ đồng, NHCSXH huyện Gia Lâm cho vay chương trình giải quyết việc làm cho hơn 2.500 hộ thì nguồn vốn từ Trung ương chỉ là 13 tỷ đồng còn lại hơn 50 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Riêng dư nợ chương trình chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng dư nợ các chương trình cho vay của NHCSXH huyện Gia Lâm là hơn 240 tỷ đồng.
Vốn vay phát huy hiệu quả
Chính nguồn vốn này đã giúp huyện Gia Lâm không chỉ được biết đến với những làng nghề gốm sứ Bát Tràng, chợ vải Ninh Hiệp mà nay còn thêm những nghề trồng rau, làm bún…, mà xã Yên Viên là một điển hình.
Với thổ nhưỡng đất đai phù hợp với cây măng tây và cho giá trị kinh tế cao nên xã Yên Viên đã thu hút khá nhiều hộ trồng loại cây này khi được NHCSXH cho vay vốn. Bà Nguyễn Thị Hải Yến - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Kim Quan, xã Yên Viên chia sẻ, tổ của bà có 29 hộ thì đa số đều trồng cây măng tây. Bản thân bà Yến cũng được vay vốn của NHCSXH, khi vay 20 triệu đồng vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm để trồng 2 sào măng tây và chăn nuôi lợn mang lại hiệu quả. Theo bà Yến, ngoài trồng măng tây thì các hộ còn có thể trồng xen các loại rau như su hào, bắp cải… để cung cấp rau củ cho nội thành Hà Nội nên thu nhập cũng khá tốt.
Ở thôn Kim Quan còn có hộ ông Đinh Văn Hùng, người vừa được công nhận là “xã viên xuất sắc” của xã Yên Viên và hộ bà Nguyễn Thị Xuân cùng vay 20 triệu đồng vốn giải quyết việc làm để trồng măng tây và chăn nuôi cho thu nhập 4 - 5 triệu đồng mỗi tháng.
Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm không chỉ giúp nhiều hộ vay vốn trồng măng tây mà ở xã Yên Viên còn có nhiều hộ vay vốn để làm nghề sản xuất bún. Chẳng hạn như hộ bà Đặng Thị Dư ở thôn Yên Viên, đầu năm 2016 cũng đã vay 25 triệu đồng của NHCSXH cộng vốn tích cóp từ gia đình để mua chiếc máy làm bún 45 triệu đồng. Hiện nay, với mỗi ngày sản xuất được khoảng 6 tạ bún, gia đình bà Dư đã có mức thu nhập khá.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Viên Nguyễn Thị Quyên cho biết, nguồn vốn của NHCSXH là “kênh” quan trọng giúp các hộ nghèo và cận nghèo vươn lên thoát nghèo, đồng thời giúp nhiều hộ mạnh dạn hơn với các dự án SXKD nâng cao chất lượng cuộc sống. “Theo chuẩn nghèo đa chiều thì xã Yên Viên còn 52 hộ nghèo và 12 hộ cận nghèo trong tổng số 3.755 hộ, chiếm tỷ lệ 1,47% và với việc cho vay của NHCSXH thì chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo sẽ tiếp tục giảm trong vài năm tới”, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Quyên chia sẻ.
Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2016 của huyện Gia Lâm đều đạt và vượt kế hoạch thành phố giao. Kinh tế duy trì tăng trưởng ổn định, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng 11,08% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách Nhà nước đạt kết quả cao, tổng thu ngân sách Nhà nước là 2.012 tỷ đồng, bằng 165% dự toán thành phố và huyện giao.
|
Bài và ảnh Đức Nghiêm
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tác động của nguồn vốn ưu đãi đến sinh kế của người nghèo
- » Vốn vay ưu đãi - cú hích trên cao nguyên Cư M’gar
- » Bay cao cùng những ước mơ tới trường của các LCL trên quê hương đất Tổ
- » Hơn 11,3 nghìn đối tượng chính sách trên địa bàn Ninh Thuận được vay vốn ưu đãi trong quý I/2017
- » Sức sống mới ở vùng quê cách mạng Hiệp Hòa
- » Hết phải vay nặng lãi, có vốn mua bò, dê
- » Những ngôi nhà ấm tình chính sách
- » Diện mạo mới trên vùng cao Đakrông
- » Góp phần xây dựng nông thôn mới Bạch Thông
- » Mường Lay ngày mới