Đồng hành với người hoàn lương

12/05/2017
(VBSP News) Ngoài việc cho người hoàn lương vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, nguồn vốn tín dụng đối với người hoàn lương còn góp phần đảm bảo an ninh trật tự và an sinh xã hội.
Ngô Hồng L đang làm việc tại xưởng nhôm kính

Ngô Hồng L đang làm việc tại xưởng nhôm kính

Ngô Hồng L, sinh năm 1991, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) vốn có tiền án vì tội danh cưỡng đoạt tài sản. Sau khi chấp hành xong án phạt tù, L trở về địa phương. Lúc đầu, L sống thu mình, không giao lưu với bạn bè vì sợ trở lại con đường cũ. Được địa phương vận động hỗ trợ, NHCSXH quận Liên Chiểu tạo điều kiện cho vay, L quyết định theo anh họ làm xưởng nhôm kính. L kể: “Quyết tâm làm lại cuộc đời, em nhờ ba đứng tên vay 20 triệu đồng từ NHCSXH quận để đầu tư trang thiết bị phục vụ xưởng gia công nhôm kính. Từ đó đến nay, em làm việc quên mệt mỏi, có thể tự kiếm được tiền nuôi sống bản thân và dần quên đi những tháng ngày lầm lỗi”.

Anh Mai Xuân T ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn cũng là trường hợp vay vốn từ chương trình cho vay hoàn lương có hiệu quả. Sau khi cải tạo trở về, anh T được NHCSXH quận Ngũ Hành Sơn tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng để mua máy móc sản xuất đá mỹ nghệ. Công việc hiện tại của anh T tương đối ổn định, thu nhập khá và có thể trang trải cuộc sống cho cả gia đình.

Hay trường hợp anh Nguyễn Anh Th ở phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê cũng là đối tượng hoàn lương được vay vốn và sử dụng vốn vay hiệu quả. Năm 2016, anh Th vay vốn từ NHCSXH quận Thanh Khê 20 triệu đồng, mạnh dạn mua máy cắt sắt, máy phun sơn, máy hàn mở cơ sở gia công cơ khí. Hiện nay, cuộc sống gia đình anh dần ổn định, quan trọng hơn là có công việc thường xuyên.

Lãnh đạo NHCSXH TP Đà Nẵng cho biết, thực hiện Quyết định số 4279/QĐ-UBND ngày 11/6/2015 của Chủ tịch UBND thành phố về việc ban hành quy chế cho vay hoàn lương, đến nay, NHCSXH đã cho 454 hộ vay với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng. Chương trình cho vay hoàn lương mà NHCSXH đang thực hiện tập trung vào đối tượng là các hộ gia đình có người hoàn lương. Theo đó, hộ vay có thể vay 20 triệu đồng/hộ (đối với hộ gia đình chỉ có 1 lao động) hoặc 30 triệu đồng/hộ (đối với hộ gia đình có từ 2 lao động trở lên). NHCSXH sẽ hỗ trợ lãi suất (không trả tiền lãi) trong suốt thời gian vay vốn nhưng tối đa không quá 36 tháng. Sau thời gian được hỗ trợ lãi, người vay phải trả lãi bằng lãi suất cho vay hộ nghèo tại thời điểm ký hợp đồng vay vốn.

Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH thành phố Đà Nẵng Đoàn Ngọc Chung cho hay, từ khi thành phố ban hành quy chế cho vay hoàn lương và chuyển sang NHCSXH quản lý, bước đầu đã tác động đến ý thức của người vay về nghĩa vụ trả nợ cho Nhà nước. Với việc triển khai cho vay thông qua ngân hàng, đối tượng hoàn lương cân nhắc kỹ trước khi vay, giúp họ vay và sử dụng vốn vay đúng mục đích, có ý thức và kế hoạch trả nợ cho ngân hàng.

Năm 2015, sau khi nhận bàn giao các hộ hoàn lương từ Ban quản lý Quỹ hỗ trợ vay vốn thành phố chuyển sang, NHCSXH đã tập trung quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay. Nhờ có sẵn đội ngũ các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại nơi người hoàn lương sinh sống nên việc quản lý, đôn đốc, nhắc nhở các hộ vay được thực hiện thường xuyên hơn. Việc thực hiện cho vay giờ đây không chỉ do ngân hàng quản lý mà cả hệ thống chính trị tại địa phương cũng vào cuộc, phối hợp xét duyệt cho vay, đôn đốc thu hồi nợ, qua đó đảm bảo cho vay đúng đối tượng, mục đích và khả năng trả nợ của người vay. Gần 2 năm chuyển qua cho ngân hàng, việc cho vay đối với người hoàn lương đã phát huy hiệu quả; người vay có ý thức hơn trong việc trả nợ, có đủ nguồn vốn để làm ăn, nâng cao đời sống và hòa nhập cộng đồng tốt hơn, qua đó nguồn vốn tín dụng cũng được bảo toàn.

Bài và ảnh Thanh Tình

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác