Vĩnh Linh đồng hành cùng người nghèo vượt khó

15/12/2016
(VBSP News) Tại Quảng Trị, Vĩnh Linh là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại do tình trạng thủy hải sản chết bất thường vừa qua gây ra. Cuộc sống của bà con ngư dân ở các xã, thị trấn ven biển gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi chờ đợi tình hình khai thác thủy hải sản ổn định trở lại, mong muốn lớn nhất của các hộ gia đình là được chuyển đổi ngành nghề phù hợp để có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Đây cũng chính là mục tiêu lớn nhất của NHCSXH khi triển khai thực hiện các chương trình cho vay ưu đãi tại các địa phương ven biển bị ảnh hưởng do tình trạng thủy hải sản chết bất thường trong thời gian qua.

Gia đình ông Nguyễn Thế Mạnh sử dụng vốn vay ưu đãi để chuyển từ nghề đánh bắt cá sang trồng tiêu

Gia đình ông Nguyễn Thế Mạnh sử dụng vốn vay ưu đãi để chuyển từ nghề đánh bắt cá sang trồng tiêu

Vĩnh Linh có 5 địa phương ven biển nằm trong chương trình hỗ trợ các hộ gia đình chuyển đổi ngành nghề của NHCSXH gồm: Vĩnh Thái, Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch, Vĩnh Giang và thị trấn Cửa Tùng. Đến nay đã có gần 200 hộ gia đình ở 5 địa phương nói trên được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH để chuyển đổi ngành nghề với tổng nguồn vốn gần 9 tỷ đồng. Trong đó đặc biệt ưu tiên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách. Việc chuyển đổi ngành nghề tại các địa phương ven biển đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp cho các hộ gia đình có nguồn thu nhập ổn định, từng bước khắc phục khó khăn để tập trung lao động sản xuất.

Nói về một số giải pháp để tiếp tục hỗ trợ các xã, thị trấn ven biển chuyển đổi ngành nghề, Giám đốc NHCSXH huyện Vĩnh Linh, Thiều Quang An cho biết “Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ cho gia hạn các món đến hạn. Đối với xã Vĩnh Kim và thị trấn Cửa Tùng vì chưa được tiếp cận với nguồn vốn vay dành cho vùng khó nên đơn vị sẽ huy động các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương để hỗ trợ 2 địa phương này. Đồng thời tiếp tục kiến nghị với Chính phủ và các ban, ngành liên quan có chính sách hạ lãi suất vay để tạo điều kiện cho bà con vay mở rộng SXKD”.

Là một trong nhiều hộ chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, gia đình ông Nguyễn Thế Mạnhthôn Duy Loan, xã Vĩnh Giang được tiếp cận vốn giải quyết việc làm 50 triệu đồng để chuyển từ nghề đánh bắt cá sang đầu tư trồng 2 sào vườn tiêu. Ông Mạnh cho biết, ở thôn Duy Loan có trên 20 hộ vay vốn tín dụng chính sách chuyển đổi sang nghề tham canh vườn tiêu. Được biết tại huyện Vĩnh Linh còn nhiều mô hình gia trại khác như nuôi bò, thỏ và chim bồ câu.  

Chuyển từ đi biển sang sản xuất nước lọc tinh khiết, ngư dân Phan Văn Định (35 tuổi) ở thị trấn Cửa Tùng, tâm sự: “Khi biết chắc không còn hy vọng sớm được quay lại biển, tình cờ có người quen muốn nhượng lại cơ sở sản xuất nước lọc tinh khiết, thế là 2 vợ chồng tôi tất tả chạy vạy ngược xuôi để đủ món tiền hơn trăm triệu đồng mua lại. Ngoài món nhỏ vài chục triệu đồng dành dụm được, tôi làm đơn xin vay vốn chương trình giải quyết việc làm. Nhờ người quen dưới cảng lấy hàng đều, bán được 30 - 40 bình/ngày, với giá 8.000 - 10.000 đồng/bình 20l. Trừ mọi chi phí cả nhà tạm xoay xở đủ sống”, anh Định cho biết.

Sự cố môi trường biển chưa qua, tháng 10 vừa qua hai đợt mưa lũ kép nhiều tỉnh ở miền Trung bị ngập trong biển nước. Cùng với cả nước hướng về đồng bào vùng lũ, NHCSXH đã có nhiều hoạt động an sinh xã hội, giúp đỡ cộng đồng, đặc biệt là kịp thời ủng hộ bà con vùng lũ hàng nghìn suất quà và chỉ đạo NHCSXH các tỉnhrà soát, có biện pháp xử lý như khoanh nợ, gia hạn nợ, xử lý nợ rủi ro cho những hộ dân bị thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra và bổ sung nguồn vốn cho những người dân vùng lũ vay vốn, ổn định sản xuất trong thời gian tới. Cùng với thực hiện nghiêm túc các biện pháp của NHCSXH; NHCSXH Quảng Trị kịp thời hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi khắc phục hậu quả mưa lũ, riêng NHCSXH huyện Vĩnh Linh đã giải ngân trên 3 tỷ đồng để đầu tư khôi phục lại trồng trọt, chăn nuôi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. 

Bài và ảnh Hồ Minh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác