Khi Chủ tịch xã cùng làm tín dụng chính sách
Giữa năm 2015, bà Nguyễn Thị Thanh Lê - Chủ tịch UBND xã Diên An được tham gia vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Diên Khánh. Đảm nhận thêm trách nhiệm mới, Chủ tịch UBND xã Diên An trực tiếp quản lý, chỉ đạo và phổ biến sâu rộng các chương trình tín dụng đến với người dân trong toàn xã. Nhờ đó, những đối tượng được vay vốn đều nắm bắt và tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn tín dụng chính sách.
Tính riêng năm 2016, toàn xã Diên An có gần 1.000 hộ được vay, trong đó có hơn 90 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hơn 50 hộ vay vốn HSSV; hơn 600 hộ vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… Hầu hết những hộ vay được bình xét kỹ lưỡng ngay từ Tổ tiết kiệm và vay vốn, các hội, đoàn thể. Chủ tịch xã là người xét duyệt cuối cùng. Trong quá trình người dân sử dụng nguồn vốn vay, Chủ tịch xã, các hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn luôn theo dõi sát sao để kịp thời hướng dẫn, nhắc nhở bà con sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn xã Diên An chưa có trường hợp nào vay ké. Toàn xã chỉ có 2 hộ nợ quá hạn do hoàn cảnh khó khăn. Chủ tịch UBND xã Diên An, Nguyễn Thị Thanh Lê cho biết: “Hàng tháng, tôi đều theo dõi sát sao hoạt động của phiên giao dịch cố định tại xã. Đồng thời, tham gia đầy đủ các cuộc họp của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện. Qua đó, tiếp nhận những nội dung mới, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc để các cấp, ngành tháo gỡ; kịp thời đưa vốn tín dụng đến đúng đối tượng; phát huy hiệu quả nguồn vốn trong giảm nghèo, giúp địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền - Giám đốc NHCSXH huyện Diên Khánh cho biết, tháng 5/2015, UBND huyện đã bổ sung 19 Chủ tịch UBND xã, thị trấn vào thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện. Nhờ đó, qua gần hai năm thực hiện, vai trò quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín dụng NHCSXH ở cơ sở được nâng cao; nguồn vốn tín dụng ưu đãi được gắn với kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, các chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND cấp xã, các hội, đoàn thể ở cơ sở đã phát huy tốt vai trò nhận ủy thác trong quy trình cho vay vốn. Khâu bình xét đề nghị vay vốn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay cho đến công tác xử lý thu hồi nợ được tăng cường.
Đặc biệt, từ khi Chủ tịch UBND cấp xã được bổ sung là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện thì công tác thu hồi nợ tiến triển khả quan hơn trước đây. Tỷ lệ nợ quá hạn so với tổng dư nợ của NHCSXH huyện từ 0,41% của giữa năm 2015 giảm dần, đến nay chỉ còn 0,38% và dự kiến hết năm 2016 giảm còn 0,32%. Năm 2015, doanh số cho vay chỉ đạt 71,3 tỷ đồng, đến năm 2016 đạt hơn 83,9 tỷ đồng; doanh số thu nợ năm 2015 đạt 52,3 tỷ đồng, năm 2016 đạt 64,7 tỷ đồng; tổng dư nợ năm 2015 là 222 tỷ đồng,dự kiến hết năm năm 2016 là 241 tỷ đồng.
Có thể nói, việc Chủ tịch UBND cấp xã tham gia chính sách tín dụng đã có hiệu ứng tích cực từ cộng đồng xã hội. Nhiều người dân đã tiếp cận nguồn vốn, hoạt động SXKD của hộ vay vốn phát huy được hiệu quả, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh. Qua đó, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, khuyến khích các hộ vay vốn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hạn chế rủi ro vốn vay và góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Bài và ảnh Văn Giang
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hiệu quả từ chương trình cho hộ nghèo vay vốn làm nhà ở
- » Đồng vốn hữu ích “tiếp sức” cho phụ nữ nghèo
- » Nhân rộng mô hình nhận tiền gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã
- » Có vốn trồng rau bài bản, nhà nông đất Mũi thoát nghèo
- » Giúp người nghèo “góp gió thành bão”
- » Tập hợp phụ nữ qua các phong trào
- » Bắc Giang giảm nghèo bằng tín dụng ưu đãi
- » Chuyện “ba đúng” ở xã Yên Lộc
- » Hiệu quả tín dụng chính sách ở Mai Châu
- » “Điểm tựa” vững chắc cho người nghèo khó