Đồng vốn hữu ích “tiếp sức” cho phụ nữ nghèo

21/12/2016
(VBSP News) Từ những đồng vốn nhỏ ban đầu đã trở thành những chiếc “phao cứu sinh” cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh biên giới Lào Cai chèo lái con thuyền kinh tế gia đình vượt qua đại dương mênh mông mang tên nghèo khó. Có những hộ nghèo nhất trong thôn, trong xã, từ vốn vay cho hộ nghèo, qua thời gian cùng công sức mồ hôi đổ xuống, sự tích lũy, giờ đây gia đình đã được chuyển từ vay vốn thoát nghèo sang vay vốn kinh doanh, phát triển kinh tế.

Vốn vay ưu đãi "trợ lực" giúp phụ nữ nghèo trên địa bàn tỉnh Lào Cai phát triển kinh tế gia đình

Vốn vay ưu đãi “trợ lực” giúp phụ nữ nghèo trên địa bàn tỉnh Lào Cai phát triển kinh tế gia đình

Là hộ nghèo ở thôn Khe 2, xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên, năm 2008, chị Hoàng Thị Xây được NHCSXH cho vay 15 triệu đồng để mua trâu và trồng rừng. Đến nay, gia đình chị Xây đã thoát nghèo, trả hết nợ vay chương trình hộ nghèo. Hiện nay, hộ chị Xây đang vay vốn 30 triệu đồng từ hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để nuôi 4 con trâu, trồng 4ha rừng keo lai và 1ha trồng chè. Kinh tế gia đình ổn định, trở thành hộ khá.

Cũng giống chị Hoàng Thị Xây, chị Chu Thị Hồng, người dân tộc Tày ở thôn Mai Hạ, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên cũng thuộc diện hộ nghèo. Năm 2009, gia đình chị Hồng được vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi về mua trâu sinh sản. Từ nguồn vốn vay, gia đình chị Hồng đã thoát nghèo, đến nay đã trả hết số tiền vay của NHCSXH. Hiện nay, gia đình chị Hồng đã và đang trở thành hộ có kinh tế khá giả trong thôn, tài sản hiện có có 01 xe tải chở hàng, mở đại lý phân bón, mở xưởng gỗ thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho 16 lao động.

Còn với hộ gia đình chị Trần Thị Phíp ở thôn Giao Bình, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng được vay vốn ban đầu là 25 triệu đồng để trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc. Sau 3 năm, chị Phíp đã phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, thu nhập ổn định, đời sống được nâng lên có tích lũy, chị đã trả hết khoản nợ vay. Để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình, vươn lên, gia đình chị Phíp có nhu cầu vay vốn tiếp để chăm sóc mở rộng diện tích trồng rừng, chăn nuôi lợn thịt. Đến nay, gia đình chị đã có 3ha rừng mỡ sắp đến kỳ khai thác và hiện trang trại chăn nuôi của gia đình có 160 con lợn thịt. Mỗi năm, thu nhập từ sản phẩm rừng trồng và chăn nuôi của gia đình chị Phíp, trừ chi phí và công lao động đạt 160 triệu đồng.

Bà Vàng Thị Ưởng - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Na Áng A, xã Na Hối, huyện Bắc Hà cho hay, tổ hiện đang có 54 hộ vay với dư nợ 1,5 tỷ đồng cho nhiều chương trình tín dụng chính sách khác nhau. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện Bắc Hà, trong những năm qua, nhiều hộ trong thôn Na Áng A đã có cơ hội vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Đã có 8 hộ vay vốn và phát triển kinh tế hoàn trả cả gốc, lẫn lãi. Nhiều hộ vay vốn mua trâu, ngựa, lợn phát triển chăn nuôi, giờ đây kinh tế đã khá giả, tiếp tục vay vốn phát triển, mở rộng quy mô SXKD.

Qua một số điển hình trên cho thấy, việc phát huy hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách đã tiếp thêm nguồn lực cho hộ nghèo, nhất là các hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, đã tạo nên sức bật trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu ngay chính tại đồng đất quê hương mình. Đó là minh chứng rõ nét trong việc khai thác, quản lý hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ.

Với 9 hội cấp huyện, 164 hội cấp xã và 639 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động trên địa bàn tỉnh Lào Cai, tín dụng chính sách đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong cộng đồng dân cư, chung sức, đồng lòng thực hiện mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước trên địa bàn. Với phương thức ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay của NHCSXH qua các tổ chức chính trị - xã hội trên cơ sở thiết lập các Tổ tiết kiệm và vay vốn có sự giám sát của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là Trưởng thôn, bản. Từ đó giúp cho chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội gần dân, sát dân, gắn bó với nhân dân hơn.

Thông qua hoạt động ủy thác với NHCSXH, các cấp hội đã phát huy vai trò trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ cho phụ nữ, nhất là hộ gia đình phụ nữ nghèo có cơ hội tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn vay thuận lợi, giúp chị em phát huy được tính tự chủ trong việc phát triển kinh tế, góp phần phát triển phong trào của hội, gắn hội viên với hội, với chính quyền địa phương và với Đảng. Đối với địa bàn khó khăn của tỉnh nghèo như Lào Cai thì kênh tín dụng chính sách có vai trò quan trọng, đã góp phần tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Giám đốc NHSXH tỉnh Lào Cai, Nguyễn Hải Hà cho biết, doanh số cho vay ủy thác qua Hội Phụ nữ tỉnh đạt 679,5 tỷ đồng với 34.964 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Thông qua nguồn vốn đã cho vay 3.963 HSSV theo học tại các trường đại học, cao đẳng, THCN và các cơ sở dạy nghề; cho vay 1.880 căn nhà ở cho hộ nghèo; cho vay để cải tạo sửa chữa, xây mới được 6.500 công trình cung cấp nước sạch và 6.350 công trình vệ sinh hợp chuẩn; cho vay tạo việc làm được 3.214 lao động. Với doanh số cho vay nêu trên đã đầu tư vào đàn trâu, bò trên 39.000 con, chăn nuôi lợn trên 138.000 con, xây dựng chuồng trại chăn nuôi 43.000m2; trồng rừng, trồng cây thảo quả trên 1.500ha. Kết quả đầu tư đã giúp cho 14.038 hộ thoát nghèo.

Để tăng cường nguồn vốn cho vay, đồng thời tạo ý thức thói quen dành tiền tiết kiệm cho hội viên phụ nữ các cấp, Hội Phụ nữ cũng đã phối hợp với NHCSXH tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm mỗi tháng từ 10 nghìn đồng đến 50 nghìn đồng gửi vào NHCSXH. Kết quả đã có tới 98% hộ nghèo và các đối tượng chính sách tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua 100% Tổ tiết kiệm và vay vốn với số dư tiền gửi đến nay đạt 11 tỷ đồng. Các khoản nợ đến hạn được trả dứt điểm, việc trả lãi cũng đã được các hộ thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả cao. Sự cố gắng, phấn đấu trong những năm vừa qua của Hội Phụ nữ tỉnh Lào Cai đã được các cấp, các ngành và NHCSXH Việt Nam công nhận, luôn là đơn vị xuất sắc trong công tác ủy thác cho vay. 

Bài và ảnh Lê Thanh Cường

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác