“Điểm tựa” vững chắc cho người nghèo khó

13/12/2016
(VBSP News) Những ngày cuối năm, công việc kiểm tra, quyết toán, thẩm định, giải ngân,... của cán bộ NHCSXH huyện Quang Bình (Hà Giang) càng bận rộn. Đồng hành cùng NHCSXH huyện trong hành trình đưa vốn vay ưu đãi đến từng thôn, bản của huyện là những Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, cán bộ hội, đoàn thể - những “cánh tay nối dài” ấy đã và đang đưa các hoạt động của NHCSXH đến gần hơn với người dân nghèo ở Quang Bình.
Hộ nghèo ở xã Yên Thành đến Điểm giao dịch xã nhận vốn vay

Hộ nghèo ở xã Yên Thành đến Điểm giao dịch xã nhận vốn vay

Gia đình ông Hoàng Văn Bộ ở thôn Vén, xã Tân Trịnh “gắn bó thân thiết” với NHCSXH hơn chục năm nay. Từ một hộ nghèo khó nhất thôn, sau khi được vay vốn ưu đãi của NHCSXH, gia đình ông đã đẩy mạnh phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo. Đến nay, ông Bộ có 4 ao cá với diện tích mặt nước rộng hơn 4ha, mỗi năm cho thu trên 50 triệu đồng từ nuôi cá; đồi cam với hơn 700 gốc (trong đó 150 gốc đang cho thu hoạch); mỗi vụ cam gia đình ông thu lãi gần 20 triệu đồng. Gia đình tôi và nhiều hộ dân thôn Vén đã thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống là nhờ sự trợ giúp của NHCSXH huyện Quang Bình. Hiện, NHCSXH, lãnh đạo xã đã đến tận nhà của tôi để tìm hiểu, khảo sát về nhu cầu vốn cần nhiều hơn và tiếp tục cho gia đình vay thêm 50 triệu đồng, nay tôi đã thực sự yên tâm “làm bạn” với NHCSXH rồi.

Cũng như gia đình ông Bộ, chị Nguyễn Thị Nga ở thôn Mác Thượng, xã Tân Trịnh đã vươn lên thoát nghèo nhờ sự trợ giúp từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Sau khi trả nợ cho ngân hàng, gia đình chị Nga tiếp tục vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo để mở rộng SXKD. Hiện nay, gia đình chị Nga đang sở hữu một trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn với tổng diện tích hơn 1.500m2; nuôi 100 con lợn nái và hơn 200 con lợn thịt và trên 200 con gà thả đồi (chị đang thử nghiệm nuôi 6 cặp gà giống Đông Tảo). Trang trại của chị tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng.

Việc thực hiện cho vay nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Quang Bình thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn. Cùng với đó, NHCSXH huyện Quang Bình đã và đang đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, công khai đầy đủ chính sách tại Điểm giao dịch; xây dựng các Điểm giao dịch tại trụ sở xã, thị trấn để Tổ giao dịch lưu động của NHCSXH, các Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện giao dịch thuận lợi, hiệu quả. Đồng thời cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát, quản lý vốn tại cơ sở. Nâng cao vai trò của các hội, đoàn thể nhận ủy thác vốn vay, bình xét cho vay đúng đối tượng, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trịnh, Tạ Thị Hoan cho biết, xã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH, triển khai hiệu quả chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước đến hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đến nay, xã có 14 Tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ 15,6 tỷ đồng/646 hộ vay. Trong năm, đã đầu tư cho 185 lượt hộ vay vốn với 5,1 tỷ đồng, giúp 20 hộ thoát nghèo. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Theo đánh giá, từ đầu năm 2016 đến nay, huyện Quang Bình đã phối hợp với NHCSXH huyện giải ngân cho hơn 2.500 lượt hộ vay vốn với 68 tỷ đồng. Toàn huyện có 233 Tổ tiết kiệm và vay vốn quản lý 8.500 hộ vay tại 15 xã, thị trấn. Tổng dư nợ đến nay đạt 218 tỷ đồng. Nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,39% tổng sư nợ.

Phó Giám đốc NHCSXH  huyện Quang Bình, Nguyễn Văn Huyên cho biết, để bảo toàn và nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay, NHCSXH huyện tập trung thực hiện tốt công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, giám sát, kiểm tra đối tượng và hiệu quả sử dụng vốn vay đầu tư phát triển sản xuất, giảm nghèo đúng mục đích; phát triển và nâng cao chất lượng mạng lưới “cánh tay nối dài” ở các thôn, bản; làm tốt công tác tham mưu và phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội thực sự trở thành “công cụ hữu hiệu” của Nhà nước, “điểm tựa” vững chắc của người dân nghèo trên địa bàn huyện.

Bài và ảnh Yến Vũ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác