Điểm tựa vững chắc của người nghèo ở Cao Bằng
Cách đây vài năm, gia đình chị Hứa Thị Loan ở xóm Yên Luật, thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng là hộ nghèo nhất nhì xóm. Nhà cũng có ruộng vườn rộng, nhưng do thiếu vốn, gia đình chị cứ mãi sống trong vòng luẩn quẩn nghèo khó. Cuộc sống của gia đình chị Loan chỉ thực sự thay đổi khi chị quyết định vay 20 triệu đồng từ NHCSXH để mua hai con trâu về nuôi. Sau khi trâu lớn, thấy có lãi, chị bán đi và vay thêm vốn để đầu tư cải tạo vườn, đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại nuôi lợn, gà vịt… Chị Loan cho biết, chị đầu tư dần dần, đến hạn trả vốn vay cho ngân hàng rồi lại vay tiếp phát triển lên. Với nguồn thu từ lợn thịt, gà, vịt, cá… đến nay gia đình chị đã có nhà cửa khang trang, thu nhập mỗi năm khoảng 400 triệu đồng.
Không riêng gia đình chị Loan, hàng trăm hộ gia đình khác ở Cao Bằng đã vươn lên thoát nghèo nhờ vay vốn chính sách để phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn vay, cùng với sự định hướng, giúp sức của chính quyền, nhiều mô hình kinh tế theo đặc thù vùng, miền địa phương đã được hình thành phát huy hiệu quả trong việc sử dụng vốn vay như nuôi trâu, bò, dê ở các huyện Hà Quảng, Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thông Nông; trồng mía đường ở huyện Phục Hòa, Thạch An, Hạ Lang; trồng trúc, thanh long ở huyện Nguyên Bình… đã góp phần giảm nghèo nhanh cho các huyện nghèo 30a trong tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng, Nguyễn Thị Phương cho biết, các chương trình tín dụng của NHCSXH đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 17,7% so với mức 47,8% năm 2011.
Đến nay, NHCSXH tỉnh Cao Bằng phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác tổ chức được 100% Điểm giao dịch tại các xã. Các chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn và các quy trình thủ tục của NHCSXH được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã.
Theo Giám đốc NHCSXH huyện Trà Lĩnh, Trần Hùng Quang nguồn vốn cơ bản đã đáp ứng đủ cho bà con dân nghèo. Trong quá trình thực hiện chưa có người dân nào phản ánh chưa đủ vốn, hoặc nguồn vốn chưa đến tận tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tại huyện Trà Lĩnh, chương trình cho vay hộ nghèo và hộ cận nghèo đang phát huy hiệu quả nhất.
Từ khi đi vào hoạt động, NHCSXH tỉnh Cao Bằng đã góp phần giúp trên 38.000 hộ thoát nghèo; thu hút hơn 39.000 lao động có việc làm và hơn 28.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; xây dựng được hàng nghìn công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhà ở cho hộ nghèo… Vốn tín dụng chính sách đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 28,2% năm 2013, nay xuống còn 20,05%.
Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Cao Bằng, Triệu Đình Lê khẳng định, chương trình tín dụng của NHCSXH ở Cao Bằng thực sự trở thành nguồn lực quan trọng, là giải pháp thiết thực giúp Cao Bằng phát triển kinh tế - xã hội. Điều này thể hiện qua việc hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã ổn định được cuộc sống, giảm nghèo hiệu quả.
Bài và ảnh Quân Tráng - Trần Việt
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Bạc Liêu trao “cần câu” cho hộ nghèo
- » Nâng cao hiệu quả nguồn vốn ưu đãi ở Hà Giang
- » Hiệu quả của kênh tín dụng “xanh”
- » Cầu nối các chương trình tín dụng đặc thù của Đà Nẵng
- » NHCSXH nhận giải thưởng CNTT và An ninh thông tin tiêu biểu Đông Nam Á lần thứ 12
- » Khi chủ trương của Đảng đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách
- » Vốn chính sách tạo nhiều việc làm ở vùng ven biển
- » Hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi ở Quế Phong
- » Bắc Quang phát huy hiệu quả vốn chính sách
- » “Đòn bẩy” cho huyện nghèo vùng cao