Cầu nối các chương trình tín dụng đặc thù của Đà Nẵng

06/12/2016
(VBSP News) Với phong cách trẻ trung, năng động như vốn có của người dân thành phố thủ phủ miền Trung, Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH TP Đà Nẵng, Đoàn Ngọc Chung đã chia sẻ với chúng tôi những chương trình tín dụng riêng biệt của thành phố so với các chương trình tín dụng ưu đãi khác của Trung ương đang triển khai trên địa bàn cả nước.
NHCSXH TP Đà Nẵng tổ chức giao dịch lưu động tại trụ sở Công đoàn Viên chức của thành phố

NHCSXH TP Đà Nẵng tổ chức giao dịch lưu động tại trụ sở Công đoàn Viên chức của thành phố

Ổn định dân cư sau cuộc đại di dời

Phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ là một phường “đặc biệt” theo cách nói vui của cán bộ nơi đây bởi phường không có hẻm, tất cả các con đường đều rộng 3,5m trở lên. Để có được hạ tầng đô thị “trong mơ” như vậy, toàn bộ hơn 5.000 hộ dân với trên 16.000 người của phường đã bàn giao mặt bằng để thành phố xây dựng một khu đô thị mới hiện đại. Phó Bí thư thường trực Đảng ủy phường Hòa Xuân, Hồ Thị Cẩm Nhung cho biết: Vào 8 giờ ngày 08/8/2008 cuộc đại di dời bắt đầu triển khai và đến năm 2010 thì cơ bản hoàn thành. Các hộ dân được tái định cư trong những ngôi nhà mặt phố rộng 100m2 đều tăm tắp, khang trang sạch đẹp. Nhưng vấn đề mới đặt ra là tạo việc làm cho những người nông dân trước đây, nhất là với những người trên 45 tuổi rất khó chuyển đổi nghề nghiệp.

Vậy là từ năm 2011, bên cạnh chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm của NHCSXH, thành phố Đà Nẵng cũng ủy thác nguồn vốn từ ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho các hộ dân tái định cư vay với thời hạn 5 năm, thủ tục, mức vay và lãi suất như chương trình dành cho hộ nghèo của Nhà nước. Giám đốc NHCSXH quận Cẩm Lệ, Đặng Văn Sơn nhẩm tính: Đến nay có 919 hộ được vay theo chương trình di dời với dư nợ hơn 19 tỷ đồng (tổng số hộ vay vốn NHCSXH trên địa bàn phường là 1.476 hộ với dư nợ hơn 31 tỷ đồng), tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động - một con số rất ý nghĩa trong việc ổn định đời sống người dân tái định cư.

Chúng tôi đến nhà bà Lê Thị Hương ở Tổ dân phố 34 khi bà vừa đi nấu cỗ cưới về. Bà Hương kể, chồng mất sớm, năm 2003 vẫn thuộc diện là hộ nghèo, được NHCSXH cho vay 5 triệu đồng về nuôi lợn và bán hàng tạp hóa. Năm 2011, khi về nơi ở mới, nguồn tiền đền bù tái định cư chỉ đủ xây căn nhà 2 tầng. Trong lúc khó khăn về vốn, cũng không dám vay Ngân hàng thương mại vì lãi suất cao, bà được vay 40 triệu đồng từ chương trình di dời qua NHCSXH để đầu tư mở rộng nghề phục vụ đám cưới. Đến nay, cơ sở của bà Hương đã có thể nhận đặt tiệc cưới phục vụ 1.000 khách với đầy đủ phông, rạp…, tạo việc làm cho 30 chị em trong phường tham gia khi có sự kiện. Bà Hương tâm sự, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH có thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp mà phương án trả nợ, trả lãi dễ chịu hơn.

Còn bà Phan Thị Nhuận ở Tổ dân phố 63a chia sẻ, sau khi tái định cư hai vợ chồng bà cũng xoay sở nhiều nghề nhưng không ổn định. Đến năm 2013, bà được vay 20 triệu đồng vốn chính sách từ NHCSXH đầu tư vào trồng 8 sào chuối trên đất dự án tạm thời chưa sử dụng. Tiếp chúng tôi ngay ở vườn chuối, bà Nhuận phấn khởi khoe làm chuối sướng hơn làm ruộng trước kia. Cả hai vợ chồng suốt ngày bơm nước tưới, bón phân, chăm sóc chuối rồi lại trồng xen cây sả dưới gốc. Mỗi tháng vườn chuối thu hoạch 2 lần trước ngày rằm và mùng một, cho thu nhập 10 triệu đồng.

Bà Hồ Thị Cẩm Nhung cho biết, từ nguồn vốn vay, trên địa bàn đã hình thành nhiều mô hình SXKD tạo việc làm như: dịch vụ may, trông nhóm trẻ gia đình, trồng hoa cây cảnh, trồng nấm… Đầu năm 2016, phường có 308 hộ nghèo thì đến cuối năm đã có 137 hộ thoát nghèo.

Điểm giao dịch xã đặc biệt

Chúng tôi có mặt tại trụ sở Công đoàn Viên chức thành phố Đà Nẵng vào thứ bẩy và có cảm nhận không khác gì so với các buổi giao dịch… xã mà hệ thống NHCSXH trên cả nước vẫn tiến hành vào một ngày cố định trong tháng, dù đó là ngày lễ hay ngày nghỉ.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch Công đoàn Viên chức thành phố cho biết: Năm 2012, khảo sát của Công đoàn cho thấy có tới 40% cán bộ, viên chức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng. Nhu cầu vay vốn để tiêu dùng, sửa chữa nhà ở, học thêm… giải quyết khó khăn trước mắt cũng như lâu dài rất lớn nhưng thành phố chưa có chính sách hỗ trợ nào. Vì vậy, Công đoàn Viên chức xây dựng Đề án cho cán bộ, viên chức vay vốn để giải quyết khó khăn, ổn định đời sống, đóng góp vào công tác dưỡng liêm. Thành phố đã phê duyệt và chuyển nguồn ngân sách địa phương để NHCSXH triển khai cho cán bộ, viên chức vay tín chấp với mức tối đa 50 triệu đồng, thời gian là 3 năm và lãi suất 0,55%/tháng, bằng với lãi suất cho hộ nghèo vay.

Như vậy là bên cạnh 4 tổ chức hội, đoàn thể (Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và Cựu chiến binh) đang phối hợp, nhận ủy thác với NHCSXH thực hiện các chương trình tín dụng chính sách thì ở Đà Nẵng đã có thêm tổ chức Công đoàn. Việc vận dụng mô hình và quy trình sẵn có của NHCSXH thực hiện đối với các đối tượng chính sách đã góp phần tạo nên thành công của chương trình. Theo đó, người vay vốn sinh hoạt thành nhóm vay ở một tổ chức công đoàn cơ sở, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở làm nhóm trưởng, người vay phải qua bình xét và được công đoàn cơ sở xác nhận. Vào ngày 26 hàng tháng, cán bộ NHCSXH sẽ xuống trụ sở Công đoàn Viên chức để giao dịch lưu động, tạo thuận lợi cho người vay với thủ tục nhanh gọn.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho biết, tính đến hết tháng 10/2016 đã có 661 cán bộ, viên chức được vay hơn 23 tỷ đồng để giải quyết khó khăn. Thành phố coi đây là một chương trình an sinh xã hội rất hiệu quả nên từ năm 2015 đã mở rộng đối tượng là hợp đồng dài hạn và công đoàn các ngành giáo dục, công thương…; đồng thời tới đây lại có đề nghị thêm đối tượng là công nhân các Khu công nghiệp.

Với mô hình hoạt động đặc thù, chưa có tiền lệ trên thế giới, NHCSXH đã chứng tỏ tính ưu việt trong thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ cũng như của các địa phương. Có lẽ vì vậy, NHCSXH TP Đà Nẵng triển khai 17 chương trình thì có đến 7 chương trình đặc thù của địa phương, với nguồn vốn của thành phố là gần 170 tỷ đồng trong tổng nguồn vốn 1.460 tỷ đồng.

Bài và ảnh Khâm Thiên

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác