Thanh niên Phú Yên áp dụng nhiều cách làm kinh tế hiệu quả

24/11/2016
(VBSP News) Hưởng ứng phong trào “Thanh niên Phú Yên thi đua lập thân, lập nghiệp và làm giàu chính đáng” do Tỉnh đoàn phát động, đến nay đã có hàng trăm thanh niên trong tỉnh nỗ lực làm ăn, thành lập các mô hình phát triển kinh tế, tổ hợp tác thanh niên làm kinh tế có hiệu quả.
Vay vốn chính sách, vợ chồng anh Nguyễn Đình Hoan đầu tư vào trồng quất cảnh

Vay vốn chính sách, vợ chồng anh Nguyễn Đình Hoan đầu tư vào trồng quất cảnh

Phát huy sức trẻ

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn An Hòa, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh, vì gia cảnh quá khó khăn nên chỉ học đến lớp 5, Bùi Xuân Niềm sinh năm 1983 đành phải nghỉ học ở nhà cùng cha mẹ khai hoang đất trồng sắn, mía kiếm sống. Năm 2008, sau khi lập gia đình, Niềm được cha mẹ cho 5ha đất để làm ăn. Thông qua Đoàn Thanh niên, Niềm làm đơn vay NHCSXH 20 triệu đồng trồng mía. Từ số tiền đầu tư ban đầu, hàng năm, sau khi thu hoạch, Niềm dành hết số tiền bán mía mua thêm đất, đồng thời tiếp tục khai hoang, tập trung phát triển cây mía. Niềm chia sẻ: “Hiện tôi có 30ha đất trồng mía. Để không bị động trong việc canh tác, vận chuyển sản phẩm, ngoài thuê nhân công, tôi đã đầu tư sắm một máy cày đại và một xe tải. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm tôi thu nhập khoảng 1 tỷ đồng từ cây mía”.

Tương tự, hơn 7 năm về trước, anh Nguyễn Đình Hoan sinh năm 1985 ở Liên Trì 2, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa là một thanh niên không có nghề nghiệp ổn định nên thường xuyên bỏ địa phương đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Năm 2009, sau khi lập gia đình, được sự trợ giúp của Đoàn Thanh niên, anh vay 20 triệu đồng từ NHCSXH về trồng cây cảnh. Đến nay, anh Hoan đã trồng được 700 chậu quất và gần 1.000 chậu mai. Anh Hoan cho biết: “Vì ít vốn nên tôi phải tự ươm cây giống để trồng. Còn việc tạo dáng cho mai, quất, tôi tham gia nhiều lớp tập huấn về trồng hoa, cây cảnh do Đoàn Thanh niên phối hợp với Hội Nông dân tổ chức và tự mình chăm sóc, tạo dáng cho cây mà không phải thuê người khác. Trong hai năm qua, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, tôi thu nhập trên 100 triệu đồng từ mai, quất”.

Không chỉ có anh Niềm, anh Hoan… mà nhiều thanh niên nghèo trong tỉnh cũng đã phát huy sức trẻ, nỗ lực làm ăn vươn lên thoát nghèo, trở thành những thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình. Anh Nguyễn Trung Lương - Trưởng Ban Thanh niên nông thôn công nhân viên chức và đô thị Tỉnh đoàn Phú Yên, cho biết: “Tính đến nay, các cấp bộ Đoàn, Hội đã thành lập được 161 Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 5.000 thanh niên, tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH với tổng dư nợ hơn 106 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các thanh niên đã đầu tư vào trồng mía, chăn nuôi bò, nuôi tôm, trồng hoa, cây cảnh… và đã có hàng trăm thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng, mỗi năm thu lãi cả trăm triệu đồng”.

Đẩy mạnh phong trào thi đua lập thân, lập nghiệp

Phát huy những mặt đạt được trong thời gian qua, mới đây Tỉnh đoàn Phú Yên tiếp tục phát động phong trào “Thanh niên Phú Yên thi đua lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng”. Theo Bí thư Tỉnh đoàn Phú Yên, Bùi Thanh Toàn, để phong trào ngày càng mang lại hiệu quả hơn nữa, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn, Hội khảo sát, nắm bắt nhu cầu của thanh niên để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc và đáp ứng nhu cầu của thanh niên. Bằng nhiều cách, Đoàn tạo điều kiện thuận lợi để ngày càng có nhiều thanh niên phát huy sức trẻ tham gia làm ăn phát triển kinh tế, thoát nghèo và giải quyết nhiều việc làm cho thanh niên ở địa phương. Trong đó chú trọng đến vay vốn chính sách tạo điều kiện cho thanh niên lập thân, lập nghiệp, tiếp cận kiến thức KHKT để áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, các cấp bộ Đoàn, Hội chủ động xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể thông qua các chương trình, dự án và thường xuyên tổ chức cho thanh niên tham quan các mô hình kinh tế có hiệu quả để thanh niên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm áp dụng vào mô hình của mình một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Bá Toàn ở xã Xuân Phương, TX Sông Cầu, vay vốn ưu đãi từ NHCSXH với mức vay tối đa 50 triệu đồng là quá ít, đặc biệt đối với những thanh niên nuôi tôm hùm như anh, đầu tư lớn, mỗi vụ nuôi phải bỏ ra cả trăm triệu đồng mua con giống. Nếu muốn vay từ các chương trình có mức vay cao hơn, sẽ phải thẩm định tài sản, trong khi thanh niên mới lập nghiệp thường không có tài sản để thế chấp nên khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. “Vì vậy, Đoàn Thanh niên cần có những giải pháp tháo gỡ và tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn được nhiều hơn, có điều kiện đầu tư nuôi tôm, phát triển kinh tế thoát nghèo”, anh Toàn đề xuất.

Bài và ảnh Hiếu Trung

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác