Nỗ lực trong công tác giảm nghèo
Huyện Chợ Đồn có 22 xã, thị trấn với diện tích trên 91.100ha. Địa bàn thuộc vùng núi cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 93,46%, trong đó nhiều nơi vẫn còn tập quán canh tác lạc hậu và thiếu vốn sản xuất khiến cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao, năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện chiếm gần 26%. Trước tình hình trên, Đảng bộ, chính quyền huyện đã động viên nhân dân nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện địa phương, tập trung các chương trình dự án, ưu tiên đầu tư tiền vốn, kỹ thuật cho công tác giảm nghèo.
Xác định nguồn vốn chính sách là một trong những động lực quan trọng có thể tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, huyện Chợ Đồn đã chú trọng tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về việc mạnh dạn vay vốn và sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Theo đó, các cấp chính quyền, đoàn thể tại địa bàn đã phối hợp với NHCSXH và các ban, ngành tạo điều kiện cho các hộ nghèo, các gia đình đồng bào DTTS vay vốn ưu đãi đầu tư xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi như mô hình trồng cam, quýt, trồng chè Giảo cổ lam, mô hình trồng lúa, sắn cao sản xen canh với rừng cây công nghiệp, mô hình nuôi trâu, bò, dê, lợn rừng… nhằm tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp.
Tính đến nay, NHCSXH huyện Chợ Đồn đã cho vay 230 tỷ đồng với 13 chương trình tín dụng ưu đãi và hàng chục nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách thông qua mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn được vay vốn. Vốn chính sách được các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn nhận uỷ thác cho hội viên vay xây dựng các mô hình kinh tế tại nơi cư trú, tăng thêm thu nhập ổn định cho gia đình.
Điển hình là Hội Nông dân huyện Chợ Đồn đã chủ động phối hợp với NHCSXH thành lập được 76 Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhận uỷ thác gần 60 tỷ đồng cho 2,594 hội viên vay vốn xây dựng các loại hình kinh tế tổng hợp VACR (vườn, ao, chuồng, ruộng) mô hình kinh tế vườn đồi trồng cam, quýt, hồng không hạt, thanh long, và mô hình chăn nuôi đại gia súc tại các xã có điều kiện thuận lợi nhằm tập trung phát triển để trở thành vùng sản xuất hàng hóa.
Gia đình ông Hà Văn Cẩn ở thôn Bản Duồng 1, thị trấn Bằng Lũng đã từ nguồn vốn chính sách do Hội Nông dân cơ sở thực hiện ủy thác, phát triển được một cơ ngơi sản xuất hoàn chỉnh, bao gồm 2 dãy chuồng trại nuôi lợn nái, lợn thịt, gần 3.600m2 ao mặt nước nuôi cá và đàn trâu kéo 20 con, mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng.
Ngoài gia đình ông Hà Văn Cẩn, các mô hình sản xuất điển hình khác đang xuất hiện ngày càng nhiều tại Chợ Đồn, có thể kể đến hộ gia đình ông Ma Văn Chính, bà Lâm Thị Biên, Na Thị Phướng ở xã Yên Thượng, hộ bà Trần Thị Cửu, nhà chị Đỗ Thị Lộ, xã Bình Trung với các mô hình kinh tế tổng hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/năm, góp phần tích cực trong chương trình xóa nghèo bền vững và phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Bằng việc vận dụng tốt các cơ chế giúp người dân tiếp cận và sử dụng hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách, chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện Chợ Đồn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đến hết năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống 10,14%, giảm gần 16% so với năm 2010; thấp hơn so mức trung bình của cả tỉnh (14,47%).
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, song huyện Chợ Đồn vẫn đặt ra quyết tâm thực hiện mục tiêu giảm thêm 3,6% hộ nghèo trên địa bàn vào năm 2017 trong đó tín dụng chính sách tiếp tục là công cụ quan trọng. Chính quyền huyện, NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với kênh tín dụng ưu đãi của Nhà nước, đồng thời huy động các nguồn lực để có thể nâng mức cho vay giúp người dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Bài và ảnh Đông Hoàng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Mang yêu thương đến với học sinh khuyết tật vượt khó học giỏi tại Nghệ An và Hà Tĩnh
- » Thoát nghèo trên đất “tọa độ lửa”
- » “Chìa khóa” cứu sinh cho người nghèo ở Quảng Bình
- » Chuyện “Ba không” ở xã Vĩnh Đồng
- » Tạo “cần câu” cho hộ nghèo huyện Tân Thành
- » Chính sách phải đi đôi với nguồn lực
- » Khi người nghèo được trao “cần câu”...
- » Những “trợ thủ” đưa vốn đến trúng đích
- » Động lực để thoát nghèo bền vững
- » An tâm trong những ngôi nhà vượt lũ ở Quảng Bình