Chính sách phải đi đôi với nguồn lực
Chính sách tốt - chưa đủ…
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định, thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành luôn dành sự ưu tiên cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS và miền núi. Các chương trình, chính sách luôn được ưu tiên phân bổ nguồn lực cao hơn 2 - 4 lần so với nơi khác như Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh các nhóm chính sách chung, Thủ tướng Chính phủ còn ban hành một số chính sách đặc thù. Các chính sách được thiết kế và thực hiện theo phương châm: Từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình sang hỗ trợ cho cộng đồng, tạo sinh kế nhằm khắc phục tình trạng không hộ nào muốn thoát nghèo; từ cho không sang cho vay với lãi suất ưu đãi nhằm tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại; từ hỗ trợ lâu dài sang hỗ trợ có điều kiện buộc bà con có ý thức và cam kết thoát nghèo…; đối với những hộ già cả, hết sức lao động, không nơi nương tựa, hộ tàn tật… chuyển sang hưởng chính sách xã hội.
Tính riêng nguồn vốn hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS và miền núi do NHCSXH thực hiện đến dư nợ cho vay đồng bào DTTS đến hết năm 2015 đạt gần 33.000 tỷ đồng, nguồn vốn vay ưu đãi đã góp phần giúp trên 658.000 hộ nghèo là đồng bào DTTS nghèo; thu hút và tạo việc làm cho trên 56.000 lao động, trong đó có trên 6.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 96.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ đồng bào DTTS được vay vốn học tập; xây dựng trên 92.000 căn nhà cho hộ nghèo chưa có nhà ở, xây dựng gần 513.000 công trình nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn…
Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ và các cấp ngành đối với việc nâng cao đời sống vùng đồng bào DTTS thời gian qua nhưng nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ vì sao tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực này vẫn cao gấp hơn 3 lần so với bình quân chung của cả nước; nhiều tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo rất cao, trên dưới 48%, như Điện Biên, Sơn La…
Phải có nguồn lực thực hiện
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về việc tại sao chính sách hỗ trợ cho vùng DTTS và miền núi nhiều nhưng đời sống của khu vực này vẫn vô cùng khó khăn, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết, cả nước có 2.400 xã, 3.100 thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhu cầu vốn đầu tư rất lớn nhưng giai đoạn 2011 - 2015, ngoài Chương trình 135 bố trí đủ vốn (16.762 tỷ đồng), các chính sách còn lại chỉ cân đối được 7.557 tỷ đồng/14.615 tỷ đồng theo Đề án được phê duyệt, chiếm 51,7%.
Vấn đề nguồn lực thực hiện cũng được Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Nguyễn Văn Du chia sẻ trong buổi làm việc với Đoàn khảo sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội mới đây tại địa phương. Ông Du cho rằng, nếu chỉ có chính sách tốt mà không có nguồn lực thực hiện thì sẽ chỉ gây lãng phí, thậm chí làm mất niềm tin trong nhân dân vào chính quyền địa phương. Đơn cử, Nghị quyết số 76/2014/QH13 được ban hành, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng từ cuối năm 2013 nhưng đến nay, tỉnh chưa được bố trí nguồn vốn để thực hiện hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở giai đoạn 2012 - 2015. Tình trạng này không chỉ xảy ra đối với Bắc Kạn mà còn là nỗi khó khăn chung của rất nhiều địa phương.Những tâm tư của người đứng đầu tỉnh Bắc Kạn cũng là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, đề cập trong phiên thảo luận ngày 3/11 vừa qua. Các đại biểu cho rằng, khi xây dựng chính sách cần phải xem có lực để thực hiện hay không. Bên cạnh đó, phải phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương (tỉnh, huyện) quản lý, có sự tham gia của cộng đồng trong thực hiện các chính sách cho DTTS và miền núi. Và trên hết, cần khơi dậy ý thức vượt qua đói nghèo; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tự ti; quyết tâm vượt qua chính mình, tìm tòi, học tập, thay đổi cách làm ăn để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng cho đồng bào DTTS.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/1/2016 về việc phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020; theo đó hộ thiếu đất sản xuất, hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống tại các xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi. Hộ chưa có đất sản xuất nếu có nhu cầu thì được chính quyền địa phương trực tiếp giao đất hoặc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền tối đa 15 triệu đồng/hộ từ ngân sách Nhà nước và được vay vốn tại NHCSXH để tạo quỹ đất sản xuất. Trường hợp chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất thì hộ chưa có đất hoặc thiếu đất sản xuất được hỗ trợ chuyển đổi nghề từ ngân sách Nhà nước bằng tiền tối đa 5 triệu đồng/hộ và vay vốn tại NHCSXH để làm dịch vụ hoặc làm nghề khác tăng thu nhập. Hộ DTTS nghèo; hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn thiếu nước sinh hoạt được hỗ trợ bình quân 1,5 triệu đồng/hộ để tạo nguồn nước phục vụ sinh hoạt.
Bài và ảnh Thái Nguyên
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Khi người nghèo được trao “cần câu”...
- » Những “trợ thủ” đưa vốn đến trúng đích
- » Động lực để thoát nghèo bền vững
- » An tâm trong những ngôi nhà vượt lũ ở Quảng Bình
- » Ayun Pa chuyển mình
- » Có trâu để nuôi, có nước sạch để dùng
- » Linh hoạt trong thực thi chính sách giảm nghèo
- » Tín dụng chính sách: KÊNH KẾT NỐI DÂN - CHÍNH - ĐẢNG
- » Vì mục tiêu giảm nghèo bền vững
- » NHCSXH tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thi nghiệp vụ giỏi năm 2016