Khi người nghèo được trao “cần câu”…

08/11/2016
(VBSP News) Nguồn vốn chính sách tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) trong 9 tháng qua đã góp phần giúp 317 hộ nghèo, 305 hộ cận nghèo, 216 hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển SXKD; giải quyết việc làm cho 77 lao động; tạo điều kiện cho trên 563 lượt HSSV vay vốn trang trải chi phí học tập; 1.021 hộ tại vùng nông thôn xây dựng nhà vệ sinh và công trình cung cấp nước sạch...
Anh Nguyễn Ngọc Quyền (bên phải) chia sẻ về kỹ thuật ươm giống rau

Anh Nguyễn Ngọc Quyền (bên phải) chia sẻ về kỹ thuật ươm giống rau

Cách TP Đà Lạt khoảng 30km, Hiệp An là một trong những xã nghèo của huyện Đức Trọng. Kế sinh nhai của người dân chủ yếu là nông nghiệp, nguồn lực kinh tế chính là trồng rau và hoa, một số hộ gia đình thì chăn nuôi.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Ngọc Quyền trú tại thôn Trung Hiệp vào một ngày mưa. Gia đình người CCB vốn quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống không có vốn dư. Thương vợ con và muốn gia đình ngày một ổn định hơn, năm 2012 anh Quyền đã làm đơn lên xã vay vốn NHCSXH 30 triệu đồng trong 5 năm, vừa qua anh đề xuất vay thêm 20 triệu đồng.

Anh Quyền chia sẻ: “Có vốn, nhà tôi mở rộng đất canh tác, nuôi thêm 3 con bò, còn lại đầu tư cho vườn ươm rau giống cần tây, xà lách, củ dền, su hào… Sau 1 tháng, nông sản vừa đủ lớn sẽ bán lại cho dân địa phương để họ tiếp tục trồng cho đến lúc thu hoạch. Nhờ vậy, hàng tháng gia đình tôi có tổng doanh thu ở vườn ươm là 50 triệu đồng, trừ chi phí 30% phân, thuốc, còn lãi được 30%. Ngoài ra, gia đình tôi còn được vay 12 triệu đồng chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để khoan giếng và xây nhà vệ sinh. Vốn từ NHCSXH giúp nhà tôi có chi phí để sản xuất nông nghiệp”.

Đáng nói là ngoài vượt nghèo với diện tích đất ươm là 1.200m2 thành lập được 4 năm (từ năm 2012 - 2016), chủ vườn ươm này còn tạo công ăn việc làm cho những người dân nơi đây.

Hộ chị Đặng Thị Nguyệt ở thôn Trung Hiệp cũng là một câu chuyện thoát nghèo khác nhờ vốn chính sách. Chị Nguyệt kể, chồng bị ung thư mất cách đây gần 3 năm, một mình chị nuôi đứa con gái đang học lớp 8. Năm 2014, chị vay NHCSXH 30 triệu đồng, năm 2016 chị vay thêm 20 triệu đồng đều để đầu tư làm vườn.

Có vốn, chị cải thiện đất vườn để trồng rau xà lách. Cứ 1 tháng 10 ngày chị thu hoạch một đợt, thu được 12 triệu đồng; trừ tiền công, tiền giống chị lãi 3,5 triệu đồng/tháng. Chị còn trồng thêm hành lá để tăng thêm thu nhập. “Nhờ có đồng vốn từ NHCSXH mà tôi không còn phải đi làm thuê, đỡ lo lắng, chứ giờ sức khỏe mình cũng yếu rồi đâu biết làm gì để kiếm tiền nuôi con”, chị Nguyệt ngậm ngùi.

Bà Nguyễn Thị Tuyết - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn cho biết, trong tổ có 46 hộ vay với dư nợ hơn 1 tỷ, những hộ nhờ vốn chính sách mà ổn định kinh tế hơn trước như hộ chị Nguyệt không phải ít.

Ông Trương Quang Tùng - Chủ tịch UBND xã Hiệp An cho hay: Xã Hiệp An rộng 66 nghìn hecta, có 12.700 dân, 45% là đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên chủ yếu là dân tộc K’Ho, có 3 thôn người đồng bào DTTS, 3 thôn người Kinh. Từ khi vay NHCSXH, các hộ nghèo đã có vốn làm ăn. Đến nay, dư nợ vốn vay từ NHCSXH trên địa bàn xã đạt 23 tỷ đồng; trong đó chương trình có dư nợ cao nhất là hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn 10 tỷ đồng. Nhiều năm xã không có nợ quá hạn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,6% năm  2013 đến xuống còn 1,7 % cuối năm 2015. Xã cũng đang phối hợp với các đoàn thể tập trung đẩy mạnh tốc độ làm nhà lưới, nhà kính để tiện lợi cho việc canh tác rau và hoa nhằm tránh được thời tiết xấu ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, giảm rủi ro cho bà con nông dân.

Thời gian tới, NHCSXH huyện Đức Trọng tập trung đẩy mạnh công tác phối hợp cùng với chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện cho vay vốn ưu đãi đến tận các đối tượng được thụ hưởng, đặc biệt triển khai giải ngân kịp thời theo quy định mới của Nhà nước về nâng mức vay và hạ lãi suất một số chương trình tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vùng dân tộc, miền núi tiếp cận nhanh hơn, nhiều hơn, đồng vốn ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất cả về diện tích và quy mô, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Bài và ảnh Vũ Hùng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác