Vì mục tiêu giảm nghèo bền vững

31/10/2016
(VBSP News) Hàng triệu hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống; nhiều HSSV có hoàn cảnh khó khăn thêm cơ hội hiện thực hóa ước mơ nơi giảng đường,... Đó là số ít trong những gam màu tươi sáng được dệt thêu từ chính “chất liệu” nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh Hà Giang.
Gia đình anh Nguyễn Thành Tuyên thoát nghèo bền vững từ đồng vốn ưu đãi

Gia đình anh Nguyễn Thành Tuyên thoát nghèo bền vững từ đồng vốn ưu đãi

Linh hoạt trong phương thức tuyên truyền

Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Giang, Đinh Thị Hồng cho biết, do đặc thù địa bàn tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống, chiếm 89% số hộ trong toàn tỉnh. Do nhận thức người dân hạn chế cùng với khả năng tiếp thu tiếng phổ thông của đồng bào nhiều lúc hạn hẹp nên nhiều hộ dân chưa tiếp cận được các chương trình tín dụng ưu đãi.

Xuất phát từ thực tế đó, thời gian qua NHCSXH tỉnh Hà Giang đã linh hoạt, sáng tạo trong công tác tuyên truyền để đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đi vào cuộc sống. Cụ thể, đơn vị đã áp dụng tuyên truyền bằng cả tiếng Việt và tiếng địa phương, đặc biệt là tiếng đồng bào Mông trên hệ thống Đài Phát thanh - Truyền hình từ tỉnh tới xã. Dựa vào phong tục, tập quán của người dân, NHCSXH tỉnh đã tiến hành phát thanh tuyên truyền vào ngày nghỉ, thứ bẩy, chủ nhật - ngày diễn ra chợ phiên, tại các xã, chủ động căn giờ hợp lý để tuyên truyền mỗi tuần một lần. Đặc biệt, Trưởng thôn sẽ được hướng dẫn sao chép lại nội dung đã phát trên hệ thống phát thanh xã và mở trực tiếp cho người dân nghe trong các buổi họp thôn. Qua đó, các chương trình tín dụng chính sách đến với người dân nhanh hơn, hiệu quả hơn. Anh Vi Văn Pảo - Trưởng thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc cho biết: “Bây giờ mỗi khi chúng tôi tổ chức họp thôn lại mở cho bà con nghe, nếu chỗ nào chưa hiểu sẽ giải thích cho bà con nên hiệu quả tuyên truyền rất cao. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thôn bây giờ đã chủ động làm thủ tục để vay vốn vươn lên thoát nghèo”.

Đồng thời, chi nhánh đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền về chính sách vay vốn ưu đãi như bình xét công khai đúng đối tượng vay vốn; thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay, niêm yết công khai các chính sách tín dụng ưu đãi tại các Điểm giao dịch; đảm bảo giao dịch tại 195/195 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Qua thực tế kiểm tra, giám sát, các chương trình tín dụng chính sách đã được NHCSXH tỉnh Hà Giang tổ chức thực hiện kịp thời và đúng chính sách; vốn vay được giao trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng ngay tại xã, không qua cầu cấp trung gian, trước sự chứng kiến của các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền và nhân dân, đảm bảo nguyên tắc quản lý công khai và dân chủ.

Khi đồng bào được vay vốn

NHCSXH tỉnh Hà Giang hiện nay đang thực hiện 14 chương trình tín dụng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách với tổng doanh số cho vay trong 5 năm qua (2011 - 2015) đạt 2.015 tỷ đồng với 124.422 lượt hộ được vay vốn. Tín dụng chính sách đã giúp 32.638 hộ thoát nghèo; thu hút trên 39 nghìn lao động có việc làm; 6.166 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; xây dựng được 22.464 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, 5.279 căn nhà cho hộ nghèo…; góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 41,8% năm 2010 xuống còn 18,1% năm 2015.

Tín dụng chính sách cũng đã làm thay đổi tích cực cuộc sống của bao gia đình đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao nguyên đá, trong đó có gia đình anh Mua Mí Mình, người dân tộc Mông ở thôn Đầu Cầu 2, xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ. Anh Mình vui vẻ cho biết: “Tôi vay 30 triệu đồng từ năm 2012 để nuôi trâu gia súc. Hàng tuần, tôi xuống chợ chọn tìm mua bò giống tốt về bán cho người có nhu cầu; con nào gầy thì giữ lại nuôi vỗ béo rồi bán”.

Do điều kiện sống ở vùng núi đá, đất nương rẫy không nhiều; nhà anh Mình có khoảng 400m2 đất nên chỉ có thể trồng cỏ, nuôi bò là cách duy nhất để phát triển kinh tế gia đình. Hết hạn 3 năm, gia đình đã anh trả hết nợ vay ngân hàng. Nhờ nguồn vốn vay, lúc đầu từ hai bàn tay trắng, đến nay anh Mình đã có nhà để ở, có của ăn của để và chăm lo cho con cái học hành đầy đủ.

Không chỉ có một hộ trong thôn, mà hầu hết các hộ vay vốn của NHCSXH để phát triển chăn nuôi gia súc ở đây đều có cuộc sống khá dần lên. Anh Trán Dũng Hạn - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đầu Cầu 2, cho biết: “Trong thôn có 35 hộ tổ viên tham gia vay vốn của NHCSXH với tổng số tiền vay lên tới 405 triệu đồng. Sau một thời gian làm ăn, phát triển kinh tế, chủ yếu là chăn nuôi trâu, bò thì đa số các hộ đã thoát nghèo, chỉ còn một vài hộ mới vay là ở trong diện nghèo”.

Hay như hộ gia đình anh Nguyễn Thành Tuyên ở thôn Tân Bình, xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang đã trở thành điển hình trong phát triển kinh tế ở cơ sở từ đồng vốn chính sách. “Gia đình tôi dựng được nhà sàn khang trang, mở được đường để xe ô tô lên đến trang trại hay đào ao thả cá, làm chuồng chăn nuôi dê quy mô,… là nhờ 45 triệu đồng vay từ NHCSXH nhiều năm trở về trước”, anh Tuyên chia sẻ.

Nhìn lại thời gian qua, NHCSXH tỉnh Hà Giang đã tạo bước chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Theo Giám đốc Đinh Thị Hồng trong thời gian tới, chi nhánh sẽ tập trung tăng trưởng nguồn vốn, duy trì nâng cao chất lượng hoạt động các Điểm giao dịch, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, bám sát sự chỉ đạo của ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương phấn đấu làm tốt vai trò là công cụ đắc lực trong giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Bài và ảnh Tiến Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác