Đưa vốn đến tận tay, bày làm ăn đúng cách

27/10/2016
(VBSP News) Từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, ước mơ thoát nghèo của hàng nghìn hộ dân ở huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa) đã trở thành hiện thực...
Nhờ vốn vay chính sách, gia đình chị Lang Thị Dung đã có đàn bò 18 con

Nhờ vốn vay chính sách, gia đình chị Lang Thị Dung đã có đàn bò 18 con

Tận tình hướng dẫn cách làm kinh tế

Dẫn chúng tôi đến thăm một số hộ ở xã Luận Khê, Giám đốc NHCSXH huyện Thường Xuân, Nguyễn Xuân Bình cho biết, hiện ở Luận Khê có 22 Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 1.086 hộ vay. Tổng dư nợ vốn chính sách trên địa bàn xã hiện đạt 24 tỷ đồng. Đa số các hộ vay vốn đầu tư mua trâu, bò và phát triển lâm nghiệp… Nhiều gia đình phát huy được tác dụng của đồng vốn, vươn lên thoát nghèo, không ít hộ có đời sống khá giả.

Theo Chủ tịch UBND xã Luận Khê, Cầm Thanh Xứng nhờ các chương trình tín dụng chính sách, nhiều hộ dân đầu tư phát triển chăn nuôi. Nếu không có vốn vay ưu đãi, không biết tới bao giờ các hộ đồng bào DTTS ở Luận Khê mới có thể khá được. Cũng theo ông Xứng, để bà con biết sử dụng đồng vốn vay, cán bộ NHCSXH huyện Thường Xuân cùng cán bộ hội, đoàn thể nhận ủy thác và Tổ tiết kiệm và vay vốn tới từng nhà động viên, hướng dẫn cách làm ăn, giới thiệu các mô hình làm ăn hiệu quả.

Theo Giám đốc NHCSXH huyện Thường Xuân để giúp người dân nghèo tiếp cận được với đồng vốn ưu đãi, các thôn, bản tổ chức họp bình xét cho từng hộ. Sau đó, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tổng hợp, trình lên UBND xã xét duyệt. Khi UBND xã xét duyệt xong, thì gửi lên ngân hàng để các cán bộ tín dụng xuống tận địa phương giải ngân.

Khá giàu từ vốn “người nghèo”

Gia đình anh Tạ Quang Duyên, chị Lang Thị Dung ở bản Nhàng, xã Luận Khê là một trong những hộ được vay vốn NHCSXH để phát triển sản xuất. Vừa ôm cỏ cho đàn bò, chị Dung phấn khởi cho biết: “Đàn bò này của nhà tôi có được là nhờ vốn vay ưu đãi đấy. Được NHCSXH cho vay 25 triệu đồng từ những năm trước, gia đình tôi đầu tư mua 2 con bê. Sau thời gian chăn nuôi, chúng đã sinh sản ra các lứa bê, gia đình không bán mà cứ để vậy để nhân đàn. Đến nay, nhà tôi đã có tổng đàn 18 con bò”.

Không chỉ có nhiều bò, mà gia đình chị Dung còn tích cóp vốn liếng để phát triển rừng luồng và trồng mía. “Nghĩ lại cái cảnh đói nghèo trước kia, khi chưa có vốn ưu đãi của NHCSXH, bây giờ tôi vẫn ngán ngẩm. Từ khi được vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất, gia đình tôi đã thoát được cái nghèo rồi. Hiện tại, ngoài đàn bò 18 con, gia đình tôi cũng đã có 7ha luồng và l,5ha mía đường nguyên liệu, con cái cũng được học hành đến nơi đến chốn”, anh Duyên cho hay.

Hiện nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách hiện nay trên địa bàn huyện là hơn 326,5 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2016, NHCSXH huyện đã giúp 2.603 lượt hộ vay vốn phát triển SXKD. Trên địa bàn toàn huyện có 339 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 13.269 hộ vay ở 14 chương trình tín dụng.

“Hầu hết các hộ dân ở Thường Xuân đều có diện tích đất vườn đồi khá lớn, nhưng chưa phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, muốn cho nguồn vốn chính sách mang lại hiệu quả cao hơn nữa, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành khuyến nông, khuyến lâm”, Giám đốc NHCSXH huyện Thường Xuân kiến nghị.

Bài và ảnh Thế Lượng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác