“Bà đỡ” giúp người dân thoát nghèo
Giám đốc NHCSXH huyện Vĩnh Thạnh, Nguyễn Tấn Định, chia sẻ: “Một trong những khó khăn lớn nhất của người nghèo ở miền núi là thiếu vốn sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Xác định được điều đó, những năm qua, NHCSXH huyện đã tạo mọi điều kiện để người nghèo trên địa bàn được vay vốn ưu đãi của Chính phủ. Nhờ đó, ngày càng có nhiều hộ dân có việc làm ổn định, thoát nghèo bền vững. Tính đến nay, NHCSXH huyện đã cho vay 174 tỷ đồng cho gần 5.000 hộ vay để SXKD, góp phần giảm nghèo tại địa phương”.
Được biết đến như một trong những “điểm sáng” về việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện Vĩnh Thạnh, thời gian qua, đời sống bà con làng 5, xã Vĩnh Thuận đã không ngừng được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày càng đổi thay. Với 100% là đồng bào dân tộc Bana, trước năm 2010, số hộ nghèo trong làng chiếm gần 70%. Trước sự quan tâm của chính quyền, nhiều hộ đã được vay vốn chuyển đổi thành công cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả thiết thực.
Gia đình anh Đinh Như là một điển hình. Năm 2010, anh vay 8 triệu đồng vốn chính sách cộng thêm số tiền dành dụm được, vợ chồng anh đã làm được ngôi nhà nhỏ. Sau đó, gia đình đề nghị NHCSXH cho vay thêm 40 triệu đồng để trồng 2ha keo, 1ha đậu và nuôi 4 con bò cái sinh sản. Đến nay, thu nhập của gia đình khoảng trên 30 triệu đồng/năm, cuộc sống đã ổn định.
Chị Đinh Thị Hoay - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn làng 5, cho biết: Những năm trước đây, việc vay vốn đối với các hộ đồng bào dân tộc Bana thường rất ít, phần lớn bà con sợ mang nợ khi vay. Với sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể, nhiều mô hình sản xuất phù hợp với đồng bào Bana như chăn nuôi bò sinh sản, trồng rừng kinh tế được triển khai có hiệu quả, đã giúp bà con thay đổi nhận thức. Tại làng 5 có trên 90% hộ vay vốn chính sách phát triển kinh tế gia đình. Nhờ nguồn vốn vay này, trong năm qua đã có thêm 9 hộ thoát hẳn nghèo.
Để tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận với các nguồn tín dụng ưu đãi, NHCSXH huyện thường xuyên phối hợp tuyên truyền đến bà con về mục đích, ý nghĩa, các chương trình cho vay, nguồn vốn vay; đồng thời củng cố, mở rộng hệ thống Điểm giao dịch lưu động tại các xã, thị trấn; tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. NHCSXH huyện còn phối hợp với UBND các xã, thị trấn, đoàn thể nhận ủy thác để hoàn thiện hồ sơ, giải ngân nhanh chóng, kịp thời các nguồn vốn được phân bổ.
Bài và ảnh Xuân Dũng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Trở thành tỷ phú nhờ vốn ưu đãi
- » Điểm tựa của hộ nghèo
- » Xóa nghèo ở một vùng núi cao đặc biệt khó khăn
- » Khởi nghiệp từ món vay nhỏ
- » NHCSXH - “David Beckham” trên thị trường Tài chính vi mô Việt Nam
- » Làm giàu từ vốn vay ưu đãi
- » Đổi thay ở Trường Yên
- » Phú Thọ giảm nghèo bền vững
- » Góp phần tô thắm cuộc sống đồng bào dân tộc
- » “Cánh tay” nối dài đưa vốn đến người nghèo