Xóa nghèo ở một vùng núi cao đặc biệt khó khăn

14/10/2016
(VBSP News) Lao Chải là xã khó khăn trong 14 xã, thị trấn của huyện 30a Mù Cang Chải với địa hình khó khăn, dân cư chủ yếu là người Mông, trình độ hạn chế, thiếu vốn sản xuất. Năm 2010, tất cả 14 thôn, bản thuộc vùng đặc biệt khó khăn và 100% hộ dân là hộ nghèo. Nhờ có chính sách của Nhà nước mà cuộc sống của đồng bào dân tộc ở Lao Chải ngày nay đã khác.
Đồng bào dân tộc Mông ở Lao Chải vay vốn mua trâu về nuôi

Đồng bào dân tộc Mông ở Lao Chải vay vốn mua trâu về nuôi

Anh Sùng A Sào ở bản Tà Ghênh là một trong những nông dân điển hình vươn lên trong khó khăn, mở rộng sản xuất để làm giàu chính đáng. Trước đây, gia đình anh sống chủ yếu nhờ trồng lúa nương nên cuộc sống rất chật vật. Với quyết tâm vượt nghèo, A Sào mạnh dạn đi tìm hiểu mô hình chăn nuôi ở một số địa phương khác để học hỏi. Nhận thấy thế mạnh của địa phương thích hợp với chăn nuôi trâu, bò vì có bãi chăn thả rộng, nguồn thức ăn dồi dào, A Sào vay vốn chính sách mua bò sinh sản. Nhờ kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng bệnh chu đáo, việc chăn nuôi của gia đình đã đem lại hiệu quả kinh tế. Từ đó, A Sào tiếp tục vay vốn lần 2 mua những con trâu, bò gầy, nhỏ đem về nuôi vỗ béo. Trung bình mỗi năm nuôi từ 3 lứa, mỗi lứa nuôi 4 con, sau tăng dần lên thành đàn, mỗi năm bán 15 con, thu lãi khoảng 4 triệu đồng/con. Năm 2016, gia đình A Sào đã đăng ký và thực hiện nuôi trâu, bò theo hướng trang trại với 20 con bò, 10 con trâu.

Chủ tịch UBND xã Lao Chải, Giàng A Lử cho biết, cách đây không lâu, bà con nơi đây gian nan, khổ cực lắm, lúc đó chỉ biết trồng lúa rẫy và nuôi trâu bò thả rông ngoài đồi, trong rừng. Mấy năm gần đây được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhất là NHCSXH trên huyện phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương tổ chức cho vay ngay tại trụ sở UBND xã thì ước mơ thoát nghèo của bà con đã thành hiện thực. Cán bộ tín dụng chính sách thường xuyên xuống tận cơ sở phối hợp với các hội, đoàn thể hướng dẫn đồng bào vay vốn, phát triển kinh tế mang lại kinh tế cao.

Trước đây, bà con dân tộc Mông trong xã thường ngại vay vốn vì không biết sử dụng vốn cho hiệu quả, sợ mất vốn không hoàn trả được cho ngân hàng, nhưng từ khi được tuyên truyền, hướng dẫn, các hộ đã chủ động vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi phù hợp với đặc điểm tự nhiên của địa phương. Nhờ đó, tổng đàn gia súc tại xã đã lên tới 12.550 con, bao gồm 3.030 con trâu, bò, 9.520 con dê, gia cầm gồm lợn thịt, lợn nái, gà đồi lên đến 26.400 con… Từ chỗ trước kia chỉ hộ dân nào có điều kiện mới nuôi nổi 1 con trâu hoặc bò, thì nay bình quân mỗi hộ gia đình cũng có tới 3 con trâu kéo, bò sinh sản.

 Chủ tịch UBND xã Giàng A Lử cho biết, toàn xã có 26 Tổ tiết kiệm và vay vốn, qua đó đã giúp người dân vay vốn thuận lợi, dễ dàng. Tính đến nay đã có 901 hộ, chiếm khoảng 65% số hộ dân của xã Lao Chải được vay vốn để chăn nuôi gia súc, gia cầm trồng lúa nước, ngô lai và cây ăn quả đặc sản.

Giám đốc NHCSXH huyện Mù Cang Chải, Phan Văn Hóa cho biết, đồng vốn chính sách đã thúc đẩy nghề chăn nuôi ở xã Lao Chải nói riêng, các xã khác nói chung phát triển và làm giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4,8%/năm. Trong những năm tới, chúng tôi cam kết sẽ đồng hành cùng những người dân nghèo trên chặng đường no ấm. 

Hà Dũng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác