Góp phần tô thắm cuộc sống đồng bào dân tộc

30/09/2016
(VBSP News) Với 14 chương trình tín dụng cho vay, đến nay tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Sơn La đã đạt trên 3.000 tỷ đồng, cho hơn 186 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. “Có thể khẳng định rằng, sự “thay da đổi thịt” của tỉnh Sơn La thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của hệ thống NHCSXH nơi đây, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 31,91% năm 2011 xuống còn 23,94% cuối năm 2015. Ngân hàng thực sự là người bạn đồng hành, đáng tin cậy của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, là công cụ đắc lực của Đảng bộ, chính quyền trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội mà Đảng bộ tỉnh đã đề ra trong nhiệm kỳ 2011 - 2015”, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La, Nhâm Thị Phương cho biết.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La, Nhâm Thị Phương trình bày tham luận tại Hội nghị tổng kết 5 năm tín dụng chính sách vùng Tây Bắc giai đoạn 2011 - 2015 do NHCSXH, Ban chỉ đạo Tây Bắc và tỉnh Lào Cai vừa phối hợp tổ chức Ảnh: Tuấn Ngọc

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La, Nhâm Thị Phương trình bày tham luận tại Hội nghị tổng kết 5 năm tín dụng chính sách vùng Tây Bắc giai đoạn 2011 - 2015 do NHCSXH, Ban chỉ đạo Tây Bắc và tỉnh Lào Cai vừa phối hợp tổ chức
                                                                                                                   Ảnh: Tuấn Ngọc

Vun đắp những giấc mơ

Nằm ở khu vực “lõi nghèo” Tây Bắc, Sơn La lại là 1 trong 6 tỉnh thuộc diện “nghèo điển hình” của vùng. Toàn tỉnh có khoảng 1,2 triệu người, gồm 12 dân tộc anh em, trong đó đồng bào DTTS chiếm 84%; tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 là 38,13%; giai đoạn 2016 - 2020 là 34,45%.

Tỉnh có 11 huyện và 1 thành phố; trong đó có 5 huyện nghèo, với 204 xã, phường, thị trấn và 3.233 bản, tiểu khu, tổ dân phố, trong đó 1.341 bản đặc biệt khó khăn, có 250 km đường biên giới chung với nước bạn Lào. Cơ sở hạ tầng tại địa phương còn sơ sài, trình độ dân trí không đồng đều, địa hình chia cắt phức tạp, giao thông khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là các vùng cao biên giới.

Bởi vậy, cùng với những chính sách phát triển kinh tế, khuyến nông, khuyến lâm của tỉnh, thì nguồn vốn tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện có ý nghĩa hết sức quan trọng để giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống. Đây là kênh tín dụng ưu đãi lớn nhất đáp ứng kịp thời đầy đủ nhu cầu vốn, góp phần to lớn trong công cuộc giảm nghèo của tỉnh.

Với mạng lưới trên 3.800 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở tất cả các thôn, bản, tổ dân phố; 204 Điểm giao dịch xã, tính đến nay tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Sơn La đã đạt trên 3.000 tỷ đồng, cho hơn 186 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn.

Nguồn vốn tín dụng chính sách không những giúp 32.729 hộ thoát nghèo; tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho hơn 11 nghìn  lao động; giúp 6 nghìn HSSV vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng trên 13 nghìn căn nhà; gần 50 nghìn công trình nước sạch và nhà vệ sinh…, mà còn giúp một bộ phận đồng bào DTTS chuyển biến nhận thức, tập quán làm ăn, xóa bỏ tự ti mặc cảm, vươn lên tự thoát nghèo, hòa nhập cộng đồng…

Đặc biệt, nhiều mô hình sản xuất nhỏ, lẻ đã phát triển thành trang trại có quy mô lớn, sản xuất hàng hóa, thu hút nhiều lao động và tạo nhiều việc làm ổn định.

Như mô hình chăn nuôi lợn kết hợp nấu rượu và trồng cà phê của anh Lò Văn Panh tại bản Tát, xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu. Anh Panh vay NHCSXH hơn 30 triệu đồng, huy động từ người thân 170 triệu đồng để xây dựng 22 dãy chuồng nuôi 5 con lợn nái và 50 con lợn thịt. Ngoài ra, anh còn nấu rượu và trồng 5.000 gốc cà phê. Năm 2015 anh có tổng thu nhập 300 triệu đồng, trừ các chi phí, thu về 120 triệu đồng tiền lãi, tạo việc làm cho 4 lao động.

Hay như gia đình ông Lò Văn Lả, sinh năm 1960, cư trú tại bản Nà Xa, xã Phổng Lăng, huyện Thuận Châu, từ 20 triệu đồng vay ban đầu của NHCSXH năm 2007, đến nay không chỉ thoát nghèo mà kinh tế gia đình đã phát triển khá bền vững, nhà cửa khang trang cùng một đàn bò 6 con, đàn lợn trên 20 con, đàn dê 5 con; ao cá mỗi năm xuất trên 5 tạ cá các loại, cùng gần 1ha đất trồng cây thông. Thu nhập bình quân mỗi năm ước đạt từ 140 triệu đồng đến 160 triệu đồng. Chương trình tín dụng HSSV cũng đã giúp 3 người con của ông đạt được ước mơ bước vào giảng đường đại học.

Tín dụng chính sách giúp hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Sơn La có điều kiện phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống

Tín dụng chính sách giúp hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Sơn La có điều kiện phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống

 

Hội tụ trí lực giảm nghèo

Đặc biệt, “Sau khi triển khai Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các cấp, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có sự chuyển biến rõ rệt và tích cực, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội”, bà Nhâm Thị Phương nhìn nhận.

Ban thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng trực thuộc các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh việc thực hiện Kế hoạch triển khai Chỉ thị 40. Và Chỉ thị này được triển khai xuống tận các cấp xã. Đến nay 100% Chủ tịch UBND xã đã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện. Nguồn vốn ngân sách địa phương cũng được ủy thác sang NHCSXH nhiều hơn, cho đến nay là gần 72 tỷ đồng.

Cùng với đó, NHCSXH tỉnh Sơn La đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi và các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác…,và thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, Ban quản lý Tổ và tổ viên vay vốn.

Hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn ngày càng được củng cố. Vốn tín dụng đã được lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển kinh tế ở địa phương, góp phần đổi mới tư duy của người dân nông thôn, đẩy mạnh phong trào thi đua SXKD giỏi. Chất lượng tín dụng vì thế cũng đã có chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ nợ quá hạn giảm xuống chỉ chiếm 0,16% trên tổng dư nợ.

Tuy nhiên, Sơn La vẫn là một tỉnh còn nhiều khó khăn, đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn lớn, nên nhu cầu vay vốn để SXKD cũng như thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội khác là rất cao.

Vì vậy, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH.

Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để thực hiện cho vay góp phần thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó điều mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La cũng như người nghèo nơi đây mong muốn là tiếp tục được bố trí bổ sung nguồn vốn tăng trưởng hàng năm, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho vay ưu đãi, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Bài và ảnh Minh Ngọc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác