Tín dụng chính sách nâng cao chất lượng cuộc sống

28/09/2016
(VBSP News) Sau hơn 10 năm thực hiện, chương trình tín dụng NS&VSMTNT đã được NHCSXH triển khai tới 63 tỉnh, thành với trên 8 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh đã được xây dựng và đưa vào sử dụng. Chương trình cũng đã giúp cho các hộ gia đình ở khu vực nông thôn, nhất là hộ nghèo vay vốn để đầu tư xây dựng hoặc cải tạo nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh, bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia về NS&VSMTNT nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.
Gia đình anh Phùng Ông Sảnh ở thôn Bản Sái, xã Bản Phùng, huyện Sa Pa (Lào Cai) sử dụng 12 triệu đồng vốn chương trình NS&VSMTNT để xây bể chứa nước sạch và làm nhà vệ sinh khép kín nâng cao chất lượng cuộc sống

Gia đình anh Phùng Ông Say ở thôn Bản Sái, xã Bản Phùng, huyện Sa Pa (Lào Cai) sử dụng 12 triệu đồng vốn chương trình NS&VSMTNT để xây bể chứa nước sạch và làm nhà vệ sinh khép kín nâng cao chất lượng cuộc sống

Hiệu quả từ thực tiễn

Tại tỉnh Nam Định, việc xây dựng các công trình cung cấp NS&VSMTNT đang được triển khai tích cực. Thời gian qua, đã có gần 152 nghìn hộ được vay vốn để xây dựng, nâng cấp và cải tạo 148 nghìn công trình nước sạch và gần 137 nghìn công trình vệ sinh.

Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Vân ở thôn Dịch Diệp, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh là một trong nhiều hộ gia đình đang được hưởng lợi từ chương trình. Chị Vân cho biết: Trước đây, gia đình tôi và bà con trong thôn chủ yếu dùng nước giếng đào, giếng khoan nên nguồn nước không đảm bảo, mất vệ sinh. Năm 2005, NHCSXH cho vay vốn, gia đình tôi và bà con trong thôn đã được vay vốn và lúc đó chúng tôi mới có nước sạch để dùng. Từ khi có nước sạch để dùng, chúng tôi rất phấn khởi.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Đoàn Thị Dịu - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trực chính, huyện Trực Ninh cho biết: Vốn vay ưu đãi đã giúp cho 100% hộ gia đình trong xã được sử dụng nguồn nước sạch và công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn.

Tại Nam Định, cùng với sự phát triển của các Khu công nghiệp, các làng nghề, là một lượng lớn nước thải và rác thải hàng ngày được thải ra đã ảnh hưởng đến chất lượng các nguồn nước ngầm mà trước đây bà con thường dùng. Trong khi đó, điều kiện tiếp cận với nguồn nước sạch và các công trình vệ sinh còn nhiều hạn chế, do vậy nguồn vốn vay từ chương trình NS&VSMTNT thực sự đã mang lại nhiều lợi ích và có một ý nghĩa xã hội rất lớn đối với cuộc sống của người dân ở nơi đây.

Không chỉ riêng nông thôn vùng đồng bằng, mà nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng cao của các tỉnh miền núi cũng đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Với các công trình nước sạch và vệ sinh đạt chuẩn, không những đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng dân cư, mà còn đã và đang góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS. Khắc phục được vấn đề ô nhiễm môi trường, giúp cho cảnh quan đường làng, ngõ xóm và trong gia đình được sạch đẹp.

Rời Nam Định, chúng tôi đến với Lào Cai, thăm gia đình anh Phùng Ông Say ở thôn Bản Sái, xã Bản Phùng, huyện Sa Pa. Gặp chúng tôi, anh Say vui vẻ chia sẻ: Trước đây gia đình tôi chưa có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, cuộc sống rất vất vả. Năm 2015, gia đình tôi được NHCSXH huyện Sa Pa cho vay 12 triệu đồng để làm nhà vệ sinh và công trình nước sạch. Từ khi có nước sạch và công trình vệ sinh đạt chuẩn, sinh hoạt của gia đình tôi thấy thuận lợi hơn trước rất nhiều.

Ông Phùng Trần Tình - Chủ tịch UBND xã Bản Phùng, huyện Sa Pa (Lào Cai) cho biết, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện Sa Pa thực hiện tốt việc cho vay vốn chương trình tín dụng NS&VSMTNT. Sau khi triển khai, chương trình đã góp phần tích cực trong việc cải tạo tập tục lạc hậu của bà con nơi đây. Trước đây, về phong tục tập quán hứng nước từ rừng về qua máng thủ công, sau khi vay được vốn bà con đã chấm dứt hẳn những phong tục cũ mà thay vào đó là mua đường ống dẫn nước sạch về dùng đảm bảo sạch sẽ và vệ sinh xung quanh.

Để vốn vay có hiệu quả

Chương trình cho vay NS&VSMTNT đã và đang mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, với mức vay 6 triệu đồng/công trình/hộ vay thì vẫn còn thấp so với nhu cầu và chi phí nguyên vật liệu để xây dựng. Trong thời điểm hiện nay, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS chi phí cho việc vận chuyển càng đắt đỏ. Nhiều hộ khó khăn không có đủ chi phí để góp thêm vào hoàn thiện công trình, nên không dám vay vốn.

Để chương trình cho vay NS&VSMTNT thực sự mang lại ý nghĩa hơn nữa, đảm bảo với những nhu cầu thiết thực của người dân về nâng cao chất lượng sống, các hộ vay đề nghị Chính phủ nghiên cứu nâng mức cho vay lên khoảng 10 triệu đồng/công trình và mở rộng đối tượng cho vay.

Bài và ảnh Anh Thư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác