Vay vốn ưu đãi giảm nghèo bền vững ở huyện 30a
Xin đơn cử ở huyện nghèo 30a Hà Quảng. Vốn là địa bàn khó khăn nhất ở khu vực Tây Bắc, năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo lên đến 60% và có tới 9/19 xã biên giới; khí hậu quanh năm khắc nghiệt, hạn hán thường xuyên vì vậy đời sống của người dân thiếu thốn đủ bề, hàng nghìn héc ta cây trồng không có nước tưới, năng suất chất lượng thấp kém.
Đi lên từ nghèo khó
Phân tích tình hình thực tiễn các xã biên giới, cấp ủy, chính quyền huyện Hà Quảng đã tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch, huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt tập trung các chính sách, chương trình, dự án của Nhà nước đầu tư cho biên giới, như: Nghị quyết 30a, Chương trình 135 và nhiều chính sách, dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất, đời sống, trong đó nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã tạo đòn bẩy giúp đồng bào Mông, Dao, Tày, Nùng có cơ hội vươn lên.
Để kịp thời đưa đồng vốn ưu đãi đến tận tay người nghèo, NHCSXH huyện Hà Quảng đã xây dựng được mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tại 100% thôn, bản và tất cả 19/19 Điểm giao dịch xã, qua đó đã giúp người dân vùng biên tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn của Nhà nước; tạo cơ hội để những bản làng vùng sâu ở huyện 30a Hà Quảng hàng ngày có thêm nhiều hộ nông dân làm kinh tế giỏi, thoát nghèo bền vững.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng, Nguyễn Thị Phương thông tin: “Cách đây hơn 10 năm người nghèo ở các xã ngại vay vốn lắm, vì họ vay về không biết làm gì. Nhưng sau đó nhờ phối hợp tốt giữa NHCSXH và chính quyền, đoàn thể địa phương nên nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn đầu tư thâm canh, phát triển sản xuất. Người dân ở các xã Kéo Yên, Hạ Thôn, Trường Hà, thị trấn Xuân Hòa… từ lâu chỉ biết trồng lúa nương nay đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa theo công thức “3 cây + 2 con” (cây ngô, cây lạc hàng hóa, cây thuốc lá, nuôi bò, lợn đen) và cung cấp cho thị trường miền xuôi, tăng nguồn thu nhập, cải thiện đời sống. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện hàng năm giảm đáng kể, từ 3 - 4%”.
Minh chứng cụ thể từ nhận xét của đồng chí Phó Chủ tịch huyện, chúng tôi tới thăm gia đình ông Đào Đình Páo, người dân tộc Mông ở xóm Kéo Nậm, xã Hạ Thôn vay vốn tới 3 lần về nuôi bò sinh sản và thâm canh 2ha ngô lai trên đồi đá dốc. Có vốn cùng sự cần cù, chịu khó biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện xóa nghèo bền vững vươn lên làm giàu.
Cũng thông qua những lần vay vốn ưu đãi, gia đình chị Hứa Thị Loan, người dân tộc Nùng ở xóm Yên Luật, thị trấn Yên Hòa đã lựa chọn xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp theo phương pháp bán công nghiệp. Nhờ chăm chỉ, áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi nên đã phòng trừ bệnh tật tốt vì vậy đàn gia súc, gia cầm của gia đình chị phát triển nhanh, gồm 2 dẫy chuồng nuôi 10 lợn nái, 25 lợn hậu bị, cùng 1.000m2 ao thả cá, 60 thùng nuôi ong lấy mật, mỗi năm doanh thu gần 200 triệu đồng.
Tín dụng chính sách và những con số biết nói
Theo báo cáo, doanh số cho vay trong 5 năm (2011 - 2015) của NHCSXH huyện Hà Quảng đạt 199 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 145 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi đã cho vay gần 9.500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần giúp 1.530 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho 5.650 lao động, xây dựng 489 căn nhà cho hộ nghèo, 1.137 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 137 lao động đi xuất khẩu lao động, 2.350 HSSV được vay vốn đi học… Tổng dư nợ cho vay đến nay đạt 158 tỷ đồng, tăng 54 tỷ đồng so với cuối năm 2010. Nợ quá hạn hiện chỉ chiếm 0,1% trên tổng dư nợ. Đây là con số ấn tượng ấn ở một một huyện miền núi biên giới như Hà Quảng.
Xuân Du
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Khi đồng vốn vay ra hoa, kết trái
- » “Cầu nối” tận tâm ở vùng cao
- » Đồng hành cùng hộ nghèo tại Chiêm Hóa
- » Hiệu quả giảm nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi
- » Tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng tạo sinh kế và giảm nghèo bền vững
- » Tín dụng ưu đãi nơi Thủ đô gió ngàn
- » Đi lên từ gian khó
- » Tín dụng chính sách ở vùng núi non Cao Bằng
- » Vốn vay ưu đãi giúp người khuyết tật vươn lên
- » Cho vay giải quyết việc làm - tiếp sức thanh niên lập nghiệp