Vốn vay ưu đãi giúp người khuyết tật vươn lên

30/08/2016
(VBSP News) Với người khuyết tật (NKT), việc tham gia sinh hoạt thường ngày gặp không ít khó khăn, nói gì chuyện làm kinh tế. Quan niệm này vẫn tồn tại ở không ít người. Tuy nhiên, bên cạnh nghị lực bản thân, sự động viên, đồng hành của người thân, nhiều NKT học hỏi nhiều kỹ thuật mới và mô hình kinh tế hiệu quả áp dụng vào thực tế lao động, sản xuất tại gia đình, gặt hái nhiều thành công đáng nể. Đặc biệt gần đây, với nguồn vốn vay ưu đãi, NKT có thêm nguồn trợ lực phát triển kinh tế hiệu quả.
Chị Kim Viếng chăm sóc đàn heo, cải thiện thu nhập

Chị Kim Viếng chăm sóc đàn heo, cải thiện thu nhập

Hơn 5 giờ chiều, anh Đỗ Đình Quốc, ngụ tại phường An Hòa, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) mới bớt chút thời gian rảnh trò chuyện cùng chúng tôi. Ánh mắt rạng ngời niềm vui, anh Quốc hào hứng giới thiệu chiếc máy in sơ đồ, hỗ trợ cắt rập trong may mặc anh mua chưa lâu.

Sinh năm 1972 ở vùng đất lửa Quảng Ngãi. Năm lên 3 tuổi, tỉnh lại sau cơn sốt, hai chân của anh bắt đầu mất cảm giác, không đi lại được. Nhiều năm sau đó, anh phải di chuyển bằng 2 tay. Nỗ lực tập đi, đến hết năm học lớp 11, anh Quốc mới hoàn toàn tự chủ trên đôi chân của mình. Dù đôi chân bị teo cơ, đi đứng yếu ớt nhưng sau khi tốt nghiệp THPT, anh Quốc vẫn tìm vào TP Hồ Chí Minh thi đỗ và theo học Đại học Luật. Cũng ở thành phố này, cơ duyên đưa đẩy anh gắn bó với nghề may mặc. Anh Quốc cho biết: “Lúc trước, trong khi chờ kết quả thi đại học, tôi đi xin việc làm, được ông chủ một nhà may nhận vào phụ việc. Từ đây, tôi làm quen và dần theo nghề may. Sau tốt nghiệp đại học, cầm tấm bằng trên tay, tôi gõ cửa nhiều đơn vị tuyển dụng nhưng không được chấp nhận, đành quay lại gắn bó với nghề cũ. Thời gian này, tôi may mắn tham gia khóa thiết kế chuyên dụng ngành may mặc ở Singapore nên tôi nắm bắt khá nhiều kỹ thuật may tiên tiến”.

Khoảng năm 2002, cùng vợ con về Cần Thơ sinh sống, lập nghiệp, anh Quốc xin làm công nhân cho Công ty may Tây Đô. Năm 2012, con gái đầu lòng bị tai nạn bỏng nặng, anh Quốc phải nghỉ việc vài tháng để điều trị bệnh cho con gái. Khi bệnh tình của con đỡ hơn, hàng ngày, anh Quốc làm công ở các nhà may, tối đến nhận hàng về may gia công. Ngoài ra, anh còn nhận thiết kế, cắt rập thủ công các mẫu quần áo thông dụng cho các cơ sở chuyên may sỉ và nhận may thêm quần áo cho khách hàng gần xa, kiếm thêm tiền thang thuốc và dành dụm phẫu thuật thẩm mỹ, xóa sẹo cho con.

Anh Quốc cho biết: “Nếu thiết kế, cắt rập thủ công, mỗi ngày tôi chỉ làm được 2 mẫu, kiếm 80.000 đồng, nhưng nếu áp dụng kỹ thuật công nghệ, có thể làm nhanh hơn, thu nhập nhiều hơn. Vì thế, đầu năm 2016, sau thời gian đắn đo, tôi quyết định mua trả góp chiếc máy in sơ đồ, kết hợp phần mềm thiết kế rập trên máy tính”. Tuy nhiên, phía công ty bán máy in yêu cầu anh phải trả góp đủ 90 triệu đồng trong vòng 1 năm, còn nếu mua máy trao tay thì giá chỉ 65 triệu đồng. Đang loay hoay chưa biết xoay tiền thế nào thì Hội NKT TP Cần Thơ và các tổ chức chính trị - xã hội phường An Hòa giới thiệu chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm của NHCSXH dành cho NKT, với mức tiền vay lên đến 50 triệu đồng, giúp anh giải quyết mọi khó khăn. Anh Quốc chia sẻ: “Nguồn vốn này giúp tôi yên tâm phát triển kinh tế, có thể lo cho gia đình nhiều hơn, không phải vay vốn bên ngoài để mua máy. Máy đưa vào sử dụng, thu nhập từ thiết kế rập của tôi cũng tăng gấp đôi, tôi tin chắc sẽ trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn”.

Còn chị Phạm Thị Kim Viếng, ngụ khu vực 4, phường Ba Láng, bị khuyết tật chân trái do bị tai nạn khi 20 tuổi. Không muốn “sống dựa” người khác, chị Viếng luôn tìm  việc làm phù hợp với bản thân. Chị học thêu thùa, chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng gáo dừa, phụ giúp Hội NKT TP Cần Thơ bán hàng các dịp lễ, tết,… Sau khi kết hôn, sinh con, chị càng ý thức phải tích cực lao động, có thu nhập để phụ chồng vun vén hạnh phúc gia đình. Nhiều năm qua, chị hùn vốn với em gái nuôi 6 con heo nái và heo thịt, cải thiện thu nhập. Đầu tháng 6/2016, được địa phương giới thiệu vay vốn giải quyết việc làm của NHCSXH với số tiền 50 triệu đồng, chị Viếng tận dụng mở rộng quy mô chăn nuôi với 8 con heo nái. Ngoài ra, chị còn hỗ trợ em gái phần vốn để nuôi thêm heo rừng và heo giống.

Chị Viếng chia sẻ: “Lâu nay, đa số hội viên chỉ được Hội NKT cho vay 6 triệu đồng không lãi và trả dần trong 1 năm. Vì thế, tôi rất vui khi được NHCSXH xem xét cho vay ưu đãi với số tiền lớn. Qua đó giúp tôi đủ điều kiện đầu tư mở rộng chuồng, mua thêm thức ăn nuôi heo. Sắp tới, tôi dự định nuôi thêm cá ở ao nhà”. Cùng với nghề hàn tiện, nhận thi công các công trình xây dựng của chồng, chị Viếng ở nhà vừa chăm con, vừa tăng gia sản xuất, góp thêm thu nhập, đảm bảo cuộc sống gia đình no ấm. Chị Viếng cho biết thêm, chị trích một phần vốn vay sắm máy vi tính, phục vụ thực hành ngành học thiết kế đồ họa và làm phim quảng cáo do Hội NKT TP Cần Thơ giới thiệu tham gia.

Theo NHCSXH TP Cần Thơ, NKT luôn được ưu tiên tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, nhất là chương trình cho vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Từ đầu năm đến nay, chi nhánh đã phát vay 692 triệu đồng cho 50 NKT. Dù gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt, học tập và lao động, nhưng nhiều NKT không ngừng phấn đấu, vươn lên. Cùng với việc xác định mô hình kinh tế phù hợp, có thêm nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, chắc chắn NKT sẽ gặt hái nhiều thành công, đóng góp vào thành quả phát triển kinh tế chung của xã hội.

Bài và ảnh Mỹ Tú

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác