Hiệu quả nguồn vốn chính sách ở Trung du miền núi Phú Thọ
Đến nay, NHCSXH tỉnh Phú Thọ đã tổ chức thực hiện 12 chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, đạt tổng dư nợ gần 3.350 tỷ đồng, với 137.841 hộ vay vốn còn dư nợ, trong đó việc cho vay hộ nghèo vẫn chiếm nhiều nhất, giữ vai trò chủ đạo, trên 30% tổng dư nợ. Điểm nổi bật về hoạt động tín dụng chính sách ở đây là đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tham gia.
Đơn cử trong tổng số 1.017 tỷ đồng của chương trình hộ nghèo thì ngoài số vốn chủ yếu do TW cấp, phải kể đến 22 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, huyện chuyển sang, cùng với số tiền gửi tiết kiệm của hộ nghèo là gần 80 tỷ đồng, nguồn vốn huy động của các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân cũng được trên 100 tỷ đồng. Rõ ràng, công tác huy động nguồn lực tài chính, tạo lập nguồn vốn lớn để phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo ở Phú Thọ đang được xã hội hóa rộng rãi, công khai, bởi NHCSXH từ tỉnh đến huyện, thị xã tham mưu kịp thời.
NHCSXH tỉnh Phú Thọ đã mở rộng hình thức cho vay phục vụ chương trình giảm nghèo, tạo việc làm ở vùng miền núi dân tộc. Đó là việc đẩy mạnh cho vay theo Nghị quyết 30a, cho vay hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn ở huyện Tân Sơn - 1 trong 64 huyện nghèo nhất nước thời gian qua được gần 20 tỷ đồng với 3.886 hộ người Tày, Nùng, Mông…
Cùng với đó tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ở các huyện miền núi Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê… cũng đã thực hiện phương thức đầu tư cho vay trực tiếp tới hộ dân như cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn hơn 400 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo 360 tỷ đồng; cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn gần 100 tỷ đồng…
Theo ông Phùng Mạnh Tuất - Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Luông, huyện Tân Sơn, nhờ NHCSXH hỗ trợ kịp thời 22 tỷ đồng nên 5 năm trở lại đây, hộ đói dứt bữa ở vùng sơn thẳm này không còn nữa. Chính đồng vốn ưu đãi đã giúp cho 115 hộ nghèo của xã khôi phục nghề trồng chè, quế, sơn. Riêng về cây sơn, hiện toàn xã có gần 100ha đang khai thác, điển hình là ông Nhuần, chị Hường thu lãi hàng năm tới 100 triệu đồng từ cây sơn, thoát nghèo bền vững và trở thành gia đình sản xuất giỏi.
Đặc biệt, các chương trình tín dụng thuộc nhóm chính sách cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo đã tạo điều kiện thuận lợi, tác động trực tiếp để Hội CCB tỉnh Phú Thọ tổ chức thực hiện thành công mô hình dự án sản xuất tiểu vùng. Đến nay, nhờ trên 670 tỷ đồng uỷ thác với NHCSXH, Hội CCB nơi đây đã xây dựng được 150 dự án có nội dung phù hợp với chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của địa phương, cụ thể như dự án cải tạo ao hồ nuôi trồng thủy sản của CCB xã Vĩnh Châu, huyện Hạ Hòa, phát triển đàn trâu bò 400 con của hội viên CCB 3 xã vùng sâu Yên Lương, Yên Lãng, Hương Cần thuộc huyện Thanh Sơn. Hầu hết những hội viên vay vốn tham gia dự án tiểu vùng sau khi kết thúc thời gian thực hiện dự án đều nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Thông qua 1.080 Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội CCB các cấp ở Phú Thọ xây dựng quản lý, nguồn vốn chính sách đã giúp gần 10 nghìn hộ thoát nghèo, thu hút việc làm cho hơn 30 nghìn lao động…
Tính riêng nguồn vốn đầu tư từ NHCSXH đã giúp người dân xây dựng gần 60 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ hộ nông dân được sử dụng nước sạch là 83% và 62% gia đình ở nông thôn có công trình vệ sinh hợp tiêu chuẩn, 248/277 xã, phường, thị trấn ở 12 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành sớm tiêu chí về nước sạch và môi trường.
Trên vùng trung du miền núi Phú Thọ ngày nay, nguồn vốn chính sách không chỉ phục vụ đắc lực các chương trình giảm nghèo và phát triển kinh tế trọng điểm của địa phương, giúp các hộ nghèo và hộ gia đình đồng bào DTTS thay đổi phương thức sản xuất, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự viện trợ “cho không, cấp không” của Nhà nước, mà còn tác động trực tiếp mạnh mẽ đến việc xây dựng nông thôn mới.
Bài và ảnh Việt Hà
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tổng Giám đốc NHCSXH là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia
- » Nghiên cứu kỹ để kịp thời thực hiện ngay khi được giao vốn
- » Gửi tiết kiệm hàng tháng không làm khó người thu nhập thấp vay vốn mua NOXH
- » Triển vọng nuôi bò nhóm hộ ở Kon Tum
- » Người nghèo tại Thừa Thiên - Huế an tâm trước mùa mưa lũ
- » Chuyển dịch cơ cấu vật nuôi thành công từ đồng vốn ngân hàng
- » Khởi sắc ở một vùng quê
- » Tín dụng chính sách nơi vùng cao Yên Bái
- » Niềm hy vọng trụ lại sau cơn lũ
- » “Cứu cánh” của nông hộ vùng khó khăn