Gửi tiết kiệm hàng tháng không làm khó người thu nhập thấp vay vốn mua NOXH
Cụ thể, với quy định: “Đối với vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở; người vay vốn phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại NHCSXH với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng với NHCSXH. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn”.
Ví dụ, hàng tháng người được vay vốn phải trả gói vay 5 triệu đồng. Vậy với quy định trên, người vay sẽ gửi tiết kiệm tại NHCSXH tối thiểu 5 triệu đồng trong 12 tháng? Hay mỗi tháng người vay sẽ phải tiết kiệm gửi 5 triệu đồng? Tức là cùng với tiền phải trả 5 triệu đồng/tháng, người vay sẽ phải gửi tiếp 5 triệu đồng/tháng (thời hạn 12 tháng), tổng cộng 10 triệu đồng/tháng.
Về vấn đề này, NHCSXH thông tin như sau:
Luật nhà ở đã cho phép NHCSXH mở rộng phục vụ tín dụng chính sách đến các đối tượng có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội. Chương trình cho vay nhà ở xã hội có ý nghĩa quan trọng trong tạo dựng tương lai tốt đẹp cho mọi người nhất là người có thu nhập thấp ở đô thị.
NHCSXH là công cụ của Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội trong đó có việc cung cấp tín dụng cho nhà ở xã hội. NHCSXH luôn tuân thủ những quy định pháp lý về tín dụng chính sách nói chung và tín dụng cho nhà ở xã hội nói riêng.
Cơ sở để NHCSXH quy định là chấp hành và triển khai Khoản 2, Điều 74, Luật nhà ở số 65/2014/QH13 quy định: “NHCSXH được thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân trong nước có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội để cho các đối tượng này vay với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay dài hạn sau một thời gian gửi tiết kiệm nhất định”.
Và Khoản 5, Điều 13, Chương III Nghị định 100/NĐ-CP quy định: “Khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ NHCSXH phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại NHCSXH hàng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay”.
Người vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội cần được tạo điều kiện tốt nhất để đạt được nguyện vọng chính đáng “an cư lạc nghiệp” của họ. Trên cơ sở thực tế điều kiện tài chính của người vay và chia sẻ khó khăn với người vay, văn bản Hướng dẫn nghiệp vụ cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở quy định, khi vay vốn tại NHCSXH, người vay vốn chỉ phải đáp ứng đủ điều kiện thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại NHCSXH với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng vay vốn với NHCSXH. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn chứ chưa phải thực hiện gửi tiết kiệm sau một thời gian nhất định mới được vay như Luật nhà ở cho phép NHCSXH được làm.
Điều kiện này được hiểu như sau: Kể từ khi khách hàng ký hợp đồng vay vốn với NHCSXH thì khách hàng phải gửi tiền tiết kiệm tối thiểu 12 tháng. Như ví dụ ở trên, nếu hàng tháng khách hàng có dự định trả 5 triệu đồng tiền vay thì số tiền gửi tiết kiệm cũng tối thiểu bằng 5 triệu đồng. NHCSXH cũng quy định “Người vay vốn chưa phải trả nợ gốc trong thời gian ân hạn 12 tháng kể từ ngày nhận khoản vay đầu tiên”. Như vậy nếu hiểu phải nộp 10 triệu đồng một tháng là chưa đúng.
Mặt khác, số tiền 12 tháng gửi tiết kiệm đó với lãi suất NHCSXH đang đề nghị bằng lãi suất vay vốn sau này hết thời gian ân hạn thì sẽ chuyển sang “trích thu nợ gốc, thu lãi theo thỏa thuận đã ghi trong Hợp đồng vay vốn giữa người vay vốn và NHCSXH”. Như vậy, những quy định này không tạo thêm khó khăn nào cho người vay vốn.
Đồng thời, việc quy định về tiết kiệm đối với người vay vốn là để vừa đảm bảo tuân thủ những quy định về chính sách vừa đảm bảo có thể phục vụ được nhiều đối tượng nhất.
PV
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Triển vọng nuôi bò nhóm hộ ở Kon Tum
- » Người nghèo tại Thừa Thiên - Huế an tâm trước mùa mưa lũ
- » Chuyển dịch cơ cấu vật nuôi thành công từ đồng vốn ngân hàng
- » Khởi sắc ở một vùng quê
- » Tín dụng chính sách nơi vùng cao Yên Bái
- » Niềm hy vọng trụ lại sau cơn lũ
- » “Cứu cánh” của nông hộ vùng khó khăn
- » Điểm sáng tín dụng HSSV vùng Tháp Mười
- » Liều “thần dược” tiếp sức hộ mới thoát nghèo ở Bạc Liêu
- » Để tín dụng chính sách phát huy hiệu quả