Chuyển dịch cơ cấu vật nuôi thành công từ đồng vốn ngân hàng

12/08/2016
(VBSP News) Những ngày này, gia đình anh Nghiêm Xuân Kỷ ở thôn Nhân Lý, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) rất phấn khởi khi nuôi thành công lứa ếch đầu tiên. Anh Kỷ cho biết: “Qua hạch toán, cứ 1kg ếch thành phẩm sau khi trừ chi phí cho thu lãi 15.000 đồng. Như vậy, với 1 vạn con ếch, sau nuôi 3 tháng, tôi có 3 tấn ếch thương phẩm với doanh thu khoảng 150 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi 45 triệu đồng”.
Mô hình nuôi ếch thương phẩm của gia đình anh Nghiêm Xuân Kỷ

Mô hình nuôi ếch thương phẩm của gia đình anh Nghiêm Xuân Kỷ

Trước đây, vợ chồng anh Kỷ nuôi 2 lợn nái và 1 con bò sinh sản. Tuy nhiên do dịch bệnh, cả đàn lợn bị chết nên cuộc sống gia đình ông vốn khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, anh Kỷ thấy nhiều hộ gia đình nuôi ếch cho hiệu quả kinh tế cao nên đã mạnh dạn vay vốn từ NHCSXH huyện để chuyển dịch cơ cấu vật nuôi.

Đầu năm 2016, với 40 triệu đồng vốn vay hộ nghèo, gia đình anh xây dựng 40m2 bể xi măng và mua gần 1 vạn ếch giống về nuôi. Qua 3 tháng nuôi thử nghiệm cho thấy, ếch phát triển rất nhanh, trọng lượng đạt từ 2,5 - 3,5 lạng/con và xuất chuồng được, với giá từ 60 - 70.000 đồng/kg. Theo anh Kỷ thì nuôi con ếch dễ do ít bệnh tật, tốn ít diện tích và nhanh thu hồi vốn. Chính vì vậy, gia đình anh kỳ vọng ếch chính là con vật nuôi giảm nghèo của gia đình cũng như các hộ gia đình khác trong thôn.

Từ hiệu quả kinh tế ban đầu gia đình anh Kỷ đạt được, đến nay thôn Nhân Lý đã có 4 -5 hộ gia đình mạnh dạn vay vốn NHCSXH huyện đầu tư mô hình nuôi ếch. Tham quan một số hộ nuôi ếch ở thôn Nhân Lý cho thấy kỹ thuật nuôi ếch khá đơn giản, ếch được nuôi nhốt chủ yếu trong các bể xi măng, song khó khăn nhất đối với các hộ này là thiếu nguồn nước phục vụ cho chăn nuôi. Trung bình, mỗi bể ếch phải thay từ 2 - 3 lần nước/ngày và cần 4 - 5 khối nước/ngày. Trong khi nhu cầu nguồn nước lớn thì việc khai thác nước bằng giếng khoan gặp nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế của người dân còn eo hẹp.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, thời gian qua, ngoài cho vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, NHCSXH huyện Tam Đảo còn tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, NHCSXH tỉnh để giải ngân cho vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình ở Nhân Lý có nguồn nước sạch phục vụ chăn nuôi.

Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nhân Lý, Nguyễn Thị Điểm cho biết: Thôn Nhân Lý có 58 hộ. Thời gian qua, nhờ có nguồn vốn vay từ NHCSXH, nhiều hộ nghèo và cận nghèo trong thôn đã có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất và chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi có hiệu quả. Đến nay, dư nợ cho vay ở Nhân Lý đạt gần 2 tỷ đồng.

Hiện nay, dư nợ cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi trong toàn xã Tam Quan đạt gần 50 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ cận nghèo đạt trên 14 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm đạt gần 2 tỷ đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt trên 7 tỷ đồng. Nhờ chủ động được nguồn vốn vay nên người dân địa phương có điều kiện thuận lợi mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đến nay, xã Tam Quan có hàng trăm trang trại vừa và nhỏ, với doanh thu bình quân 400 triệu đồng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 8,8%.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay, NHCSXH huyện Tam Đảo đã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác ở địa phương làm tốt công tác bình xét đối tượng và có kế hoạch giao chỉ tiêu vốn về cho các thôn. 

Bài và ảnh Hà Trần

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác