Để tín dụng chính sách phát huy hiệu quả
Nói về hiệu quả vốn vay ưu đãi, ông Nguyễn Văn Th ở thôn Tân Thành, xã Việt Dân, TX Đông Triều chia sẻ: “Năm 2014, sau bao năm tích luỹ được kinh nghiệm, tôi quyết định vay 30 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH đầu tư vào chuyển đổi giống cây trồng từ cây chuối sang trồng cây thanh long”.
Thời điểm đó, để tiếp cận với vốn vay của các NHTM là rất khó đối với các cơ sở sản xuất nhỏ. Trong lúc “khát” vốn, ông Thu được cán bộ thôn tuyên truyền về vốn vay ưu đãi của NHCSXH lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, dễ dàng. Ông đã làm thủ tục và được tạo điều kiện giải ngân nhanh chóng. Chỉ sau hai năm, gia đình ông đã có một trang trại rộng 3ha thanh long; đồng thời, giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên, 20 lao động vào vụ với thu nhập bình quân 200 nghìn đồng/người/ngày.
Một trường hợp khác, hộ anh Sằng A Chíu ở thôn Đông Thắng, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên cho biết: “Với mong muốn không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn mở rộng tầm hiểu biết cho con cái, năm 2015, được sự giúp đỡ của Hội Nông dân và NHCSXH huyện, tôi đã mạnh dạn làm thủ tục vay 30 triệu đồng từ chương trình tín dụng xuất khẩu lao động cho con gái đi làm công nhân ở Đài Loan. Đến nay, công việc của cháu tương đối ổn định, kinh tế gia đình được nâng lên, cuộc sống cải thiện nhiều”.
Những ví dụ trên đã khẳng định hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách trong việc tạo động lực để các hộ dân mở rộng, phát triển quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đồng thời góp phần tích cực giải quyết được nhiều việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, cải thiện cuộc sống cho người lao động. Tính đến nay tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Quảng Ninh đạt trên 2.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả nói trên, việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách vẫn còn không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn vốn vay giải quyết việc làm hiện còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhiều năm nay, Quảng Ninh là một trong những địa phương không được cấp bổ sung nguồn vốn của Trung ương cho chương trình giải quyết việc làm. Năm 2016, nguồn vốn ngân sách địa phương cấp cho chương trình vay vốn giải quyết việc làm là 5 tỷ đồng. Với hạn mức cho vay 50 triệu đồng/hộ thì mới chỉ giải quyết được cho 100 hộ. Nếu để đáp ứng nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm, theo tính toán của NHCSXH tỉnh, cộng cả vốn quay vòng thì con số này còn quá khiêm tốn. Trong khi nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm rất lớn, đặc biệt là ở các khu vực giải phóng mặt bằng đầu tư các công trình, dự án hoặc những hộ đi xây dựng kinh tế mới.
Thêm vào đó, tỷ lệ lao động không có việc làm sau khi tốt nghiệp các trường đào tạo, các lớp đào tạo nghề không ngừng gia tăng song lại chưa tiếp cận được nguồn vốn. Theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm, mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay tối đa 1 tỷ đồng/dự án và hộ gia đình là 50 triệu đồng/hộ. Chính vì nguồn vốn hạn hẹp, nên đến nay toàn tỉnh chưa có cơ sở nào được vay 1 tỷ đồng, mà phổ biến vẫn là mức vay vài chục triệu đồng.
Theo Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Cung, việc tiếp cận với các chương trình tín dụng chính sách còn những trở ngại. Nguyên nhân là do Quảng Ninh là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hoá nhanh, phần lớn các xã thuộc thành phố, thị xã đều đã nâng cấp lên phường. Một số xã đã ra khỏi danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn theo Quyết định 1049 của Chính phủ. Khi đó, các hộ dân tại các khu vực này không thuộc đối tượng được hưởng các chương trình tín dụng chính sách như nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn,… Trong khi đời sống người dân tại các khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo gặp khó trong việc giải ngân.
Từ thực tế trên cho thấy, các ngành, các cấp cần có giải pháp, chính sách cơ chế tháo gỡ những khó khăn hiện nay để các chương trình tín dụng chính sách thực sự là điểm tựa, đòn bẩy của người dân.
Bài và ảnh Cao Quỳnh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hơn 8.400 hộ mới thoát nghèo của Nghệ An được vay vốn phát triển sản xuất
- » Đồng hành cùng HSSV nghèo vượt khó
- » Nối dài cánh tay cơ sở
- » Khi có đồng vốn trong tay
- » Chuyện giảm nghèo của Phường 11
- » Tiếp tục hỗ trợ vốn cho ngư dân chuyển đổi sản xuất
- » Xã Đạo Trù thoát khỏi danh sách “135”
- » Khơi thông dòng chảy vốn ưu đãi
- » Nuiphao Mining tiên phong trong thực hiện tín dụng chính sách
- » Triệu phú người Mạ ở bon B’Dơng