Nuiphao Mining tiên phong trong thực hiện tín dụng chính sách
Trong căn nhà đã được kiên cố hóa với hệ thống chuồng trại chăn nuôi, bãi chăn thả gia súc khá rộng, bà Nguyễn Thị Mỹ ở xóm Tân Lập, xã Cát Nê, huyện Đại Từ kể cho chúng tôi về những khó khăn, vất vả của một hộ có hoàn cảnh khá đặc biệt khi phải bươn chải nuôi 5 người con ăn học những năm trước đây. Thuộc diện hộ nghèo, năm 2014, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Công ty Nuiphao Mining thông qua NHCSXH huyện Đại Từ, bà đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng để mua trâu sinh sản, dê giống, lợn nái… Cùng với việc được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, gia đình bà đã được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Đến nay, đàn trâu của bà đã có 4 con, lúc cao điểm đàn dê cũng lên tới 40 con, đàn lợn nái 3 con sinh sản đều đều. Nhờ vậy, kinh tế gia đình bà Mỹ đã dần ổn định, cuối năm 2015, gia đình bà đã ra khỏi diện hộ nghèo và còn trả được 10 triệu đồng vốn vay ban đầu để cho các hộ nghèo khác vay. Gia đình ông Đỗ Văn Long cũng từng được xếp vào diện hộ nghèo. Tháng 4/2015, gia đình ông được vay 45 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình phục hồi kinh tế của Nuiphao Mining ủy thác qua NHCSXH. Có vốn, gia đình ông mua trâu, bò sinh sản và lợn rừng giống, gà lai chọi… Chỉ một năm sau, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông đã thành hình với 1 cặp bò, 3 con trâu, 6 lợn rừng nái, chuồng chăn nuôi luôn có từ 800 - 1.000 con gà lai chọi. Mỗi tháng, thu nhập của gia đình ông Long đã đạt khoảng 10 triệu đồng, cuộc sống đã bớt phần vất vả hơn trước rất nhiều…
Nguồn vốn hỗ trợ của Nuiphao Mining ủy thác qua NHCSXH huyện Đại Từ cũng đang phát huy hiệu quả ở thị trấn Hùng Sơn. Anh Nguyễn Tiến Sỹ ở xóm Hàm Rồng - một trong những hộ được vay vốn từ chương trình này cho biết, cách đây 2 năm, gia đình anh được vay 30 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Với lợi thế về thâm canh chè, gia đình anh đã đầu tư phần lớn nguồn vốn vào sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap. Trên diện tích hơn 1 mẫu chè, chủ yếu sử dụng các loại chè giống mới chất lượng cao như: TRI777, Bát Tiên, LDP… hiện tại mỗi lứa chè gia đình anh thu hoạch khoảng 1,5 tạ đến 1,7 tạ chè, đời sống kinh tế vì thế cũng khấm khá dần. Đáng mừng hơn, các hộ được vay vốn từ nguồn của Nuiphao Mining như gia đình anh Sỹ còn được hỗ trợ thành lập Tổ sản xuất chè VietGap xóm Hàm Rồng gồm hơn 30 thành viên, thu nhập của các hộ này cao hơn mức trung bình của các hộ làm chè thông thường trên 30%.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn Đặng Văn Minh, cho biết: Tại thị trấn Hùng Sơn có hơn 400 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án Núi Pháo nhưng hiện tại hầu hết các hộ bị ảnh hưởng đã có đời sống ổn định. Ngoài việc nhận được các chương trình phục hồi kinh tế, hỗ trợ vốn vay cho một số hộ trồng chè VietGap, xây dựng mô hình chăn nuôi, SXKD quy mô vừa và nhỏ… Nuiphao Mining còn tạo việc làm mới cho con em Hùng Sơn bằng việc nhận vào làm việc tại Nhà máy chế biến khoáng sản của doanh nghiệp, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương. Chính sự hỗ trợ có hiệu quả của Công ty Nuiphao Mining đã giúp Hùng Sơn trở thành thị trấn đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn chỉ còn dưới 7,9%, nguồn vốn hỗ trợ phục hồi kinh tế của Nuiphao Mining đang góp phần quan trọng vào việc giảm 2% số hộ nghèo mỗi năm ở thị trấn…
Từ cuối năm 2013, Nuiphao Mining đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện Đại Từ để xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn tài trợ cho các chương trình kinh tế và phát triển cộng đồng. Theo đó, Nuiphao Mining cam kết hỗ trợ nguồn vốn cho người dân bị ảnh hưởng do thu hồi đất phục vụ Dự án khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo để phục hồi và phát triển sinh kế. Nguồn vốn cho vay thông qua NHCSXH chủ yếu để giúp các hộ, cá nhân, nhóm kinh doanh, doanh nghiệp mua sắm phương tiện, máy móc, mở rộng nhà xưởng, hỗ trợ mua sắm nguyên liệu, giống cây trồng, vật nuôi… Các cơ sở sản xuất kinh doanh có thể được vay với mức vay tối đa 1 tỷ đồng/dự án, thời hạn vay tùy theo từng dự án và đối tượng kéo dài từ 12 đến 60 tháng với mức lãi suất theo mức lãi suất của NHCSXH. Từ khi thực hiện Hợp đồng ủy thác tín dụng (năm 2013) đến tháng 6/2016, Nuiphao Mining đã chuyển cho NHCSXH huyện Đại Từ gần 5 tỷ đồng với 141 hộ gia đình được vay vốn, góp phần quan trọng trong việc tăng nguồn dư nợ cho ngân hàng thực hiện tín dụng chính sách, nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Ông Vũ Hồng - Phó Tổng Giám đốc Nuiphao Mining cho rằng: Với mục tiêu xây dựng Nuiphao Mining trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành khai khoáng của Việt Nam và khu vực, Nuiphao Mining đã xây dựng các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế cho người dân theo các cam kết và tiêu chuẩn quốc tế. Nguồn vốn của doanh nghiệp ủy thác qua NHCSXH được sử dụng theo đúng các quy định của Ngân hàng và doanh nghiệp không chủ trương thu hồi nguồn vốn mà chỉ dùng số vốn này giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách “quay vòng” vốn để tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Khi nguồn vốn đạt hiệu quả, chúng tôi cam kết tiếp tục bổ sung vốn qua NHCSXH để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững không chỉ riêng đối với vùng bị ảnh hưởng của dự án Núi Pháo mà đối với cả huyện Đại Từ.
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Thái Nguyên Lê Văn Hồng cho biết: Để tăng thêm nguồn vốn cho NHCSXH thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội việc huy động thêm các nguồn lực là hết sức cần thiết. Trong năm qua, nguồn vốn ngân sách địa phương cấp tỉnh, cấp huyện ở Thái Nguyên chuyển sang cho NHCSXH đạt trên 45 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp tỉnh là 30,6 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện trên 9,1 tỷ đồng và nguồn ủy thác của Công ty Nuiphao Mining là hơn 4.880 triệu đồng. Như vậy, đến thời điểm này, chỉ duy nhất Nuiphao Mining là doanh nghiệp đầu tiên ở Thái Nguyên thực hiện ủy thác tín dụng chính sách cho NHCSXH. Nguồn vốn của Nuiphao Mining được quản lý sử dụng chặt chẽ, đã và đang phát huy hiệu quả trong công tác giảm nghèo ở địa phương. Chúng tôi luôn mong muốn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng các chương trình phục hồi kinh tế, phát triển cộng đồng như Nuiphao Mining, chuyển vốn sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách…
Việc cung cấp tài chính vi mô cho người nghèo và các đối tượng chính sách thông qua hình thức tín dụng mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với hình thức cấp phát, tài trợ cho không. Đa dạng hóa nguồn vốn, thực hiện ủy thác tín dụng qua NHCSXH như mô hình của Nuiphao Mining là một trong những công cụ quan trọng để thực hiện thành công chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Bài và ảnh Trần Việt
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Triệu phú người Mạ ở bon B’Dơng
- » Tiếp sức thanh niên Gia Viễn lập nghiệp
- » Đưa vốn lên vùng cao Điện Biên
- » Đồng vốn nhỏ, thương hiệu lớn
- » Đổi thay một vùng đất “ven trời” Tây Bắc
- » Niềm mong ước cuối đời của người mẹ liệt sĩ
- » Điểm tựa giúp dân thoát nghèo
- » Khi nước sạch về bản vùng cao
- » Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng vốn tín dụng chính sách ủy thác qua Hội Phụ nữ
- » Hạn chế chồng chéo trong chính sách giảm nghèo