Khi nước sạch về bản vùng cao
Đồng vốn phát huy hiệu quả
Nước sạch và vệ sinh môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá xã chuẩn nông thôn mới, đồng thời cũng là cơ hội để người dân nông thôn nâng cao đời sống. Chính vì vậy, những chương trình tín dụng ưu đãi như cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của NHCSXH luôn được người dân quan tâm, đặc biệt với vùng đất còn nhiều hộ nghèo như tỉnh Điện Biên.
Đến Điện Biên vào những ngày hè, chúng tôi đã cảm nhận được niềm vui của nhiều hộ gia đình được vay vốn NHCSXH, xây dựng các công trình nước sạch.
Khác với mấy năm trước, gia đình anh Bùi Văn Kiên ở bản Phiêng Ban, xã Thanh An, huyện Điện Biên (Điện Biên) không còn phải lo lắng về nguồn nước sinh hoạt và công trình vệ sinh. Chỉ tay về công trình mới xây, anh Kiên vui vẻ cho biết: “Những năm trước đây, nước sạch phục vụ sinh hoạt đối với gia đình mình hết sức khó khăn, vào mùa khô phải đi lấy nước rất xa, hết sức vất vả”.
Theo lời kể của anh Kiên thì gia đình anh cũng như nhiều hộ trong bản phải đi gánh nước ở một con suối cách nhà tới hơn nửa cây số. Năm nào mùa khô hạn kéo dài, phải chắt chiu từng giọt nước mới đủ sinh hoạt cho cả nhà.
Bởi vậy khi hay tin NHCSXH cho vay vốn ưu đãi để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh, gia đình anh đã làm thủ tục và được NHCSXH huyện Điện Biên giải ngân 12 triệu đồng vào năm 2015.
Với số tiền trên, anh đã xây bể chứa nước, phần còn lại xây nhà vệ sinh và hệ thống ống dẫn nước… “Có nước sạch sử dụng thường xuyên, gia đình tôi đã không còn mắc phải những bệnh ngoài da và đau mắt nữa”, anh Kiên chia sẻ.
Cũng như thế, hộ ông Quàng Văn Tình ở bản Xôm, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo là một trong những hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Ông Tình cho biết: “Trước đây, do kinh tế còn nhiều khó khăn, gia đình chưa xây được nhà vệ sinh, phải tạm bợ bằng cách che lá, lợp tôn, rất bất tiện.
Thật may, năm 2015, gia đình tôi được vay 12 triệu đồng từ NHCSXH huyện cùng với số vốn tự có, tôi đã xây dựng được công trình khá khang trang với nhà vệ sinh khép kín, có hệ thống lọc nước, bình chứa nước, được sử dụng nước hợp vệ sinh”.
Ngân hàng tạo điều kiện cho hộ vay
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc NHCSXH huyện Tuần Giáo, Nguyễn Ngọc Long cho biết, để thực hiện hiệu quả chương trình này, ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cùng các hội, đoàn thể trong huyện tích cực triển khai đến các hộ có nhu cầu vay vốn; đồng thời, giải ngân tại Điểm giao dịch ở các xã giúp người dân nhận tiền thuận lợi.
Đến thời điểm này, toàn huyện có 687 hộ tiếp cận vốn vay của chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với tổng số tiền gần 7,5 tỷ đồng. Hầu hết các hộ sử dụng nguồn vốn để xây dựng các công trình như: bể chứa nước, bể lọc, nhà tắm, nhà vệ sinh tự hoại.
“Trong thời gian tới, NHCSXH huyện tiếp tục đẩy mạnh chương trình này tới người dân có nhu cầu, đặc biệt là cho bà con các xã vùng cao, vùng xa, bà con đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Long nói.
Để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, từ năm 2006 đến nay, NHCSXH tỉnh Điện Biên đã cho 5.046 lượt hộ dân vay vốn với số tiền gần 47 tỷ đồng để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh.
Nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi nhanh chóng, NHCSXH tỉnh Điện Biên đã thành lập 130 điểm giao dịch xã, phường trong toàn tỉnh. Hàng tháng chi nhánh đều tổ chức giao dịch tại Điểm giao dịch xã theo lịch cố định, kể cả ngày nghỉ…
Giám đốc NHCSXH tỉnh Điện Biên, Đàm Xuân Triệu cho biết, dư nợ của chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trong toàn tỉnh đến nay đạt trên 29 tỷ đồng. Nguồn vốn vay hỗ trợ xây dựng, nâng cấp và cải tạo được 6.054 công trình nước sạch và 4.036 công trình vệ sinh.
Để đảm bảo an toàn nguồn vốn cũng như việc sử dụng vốn đúng mục đích, chi nhánh đã phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác thành lập đoàn kiểm tra việc sử dụng vốn của các hộ vay. Cùng với nguồn vốn của chương trình, chính quyền cơ sở còn lồng ghép thực hiện các dự án của địa phương nên đồng vốn phát huy hiệu quả cao, đồng thời huy động được nguồn vốn trong dân cư tham gia xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh của gia đình.
Bài và ảnh Khánh Minh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng vốn tín dụng chính sách ủy thác qua Hội Phụ nữ
- » Hạn chế chồng chéo trong chính sách giảm nghèo
- » Tín dụng chính sách nhìn từ sự cố Formosa
- » Tín dụng chính sách góp phần phát triển kinh tế du lịch ở Cần Thơ
- » Vốn chính sách ở vùng cao Bắc Yên
- » Phát triển kinh tế theo nhóm trên vùng đất khó
- » Giúp dân vùng khó làm giàu
- » Đổi nghề, nhớ biển
- » Giám sát trực tuyến hoạt động các Điểm giao dịch xã
- » Hướng dòng vốn đến phát triển kinh tế “xanh”