Phát triển kinh tế theo nhóm trên vùng đất khó

19/07/2016
(VBSP News) Bao đời nay, người Vân Kiều, Pa Ko ở huyện ĐaKrông (Quảng Trị) gắn bó với cây rựa, chiếc cuốc và đời sống luôn phụ thuộc vào thiên nhiên. Những năm gần đây, huyện được thụ hưởng nhiều chính sách về công tác dân tộc, chương trình 30a của Chính phủ... và sự đầu tư từ dòng vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp đồng bào nơi đây thay đổi tư duy, làm ăn phát triển kinh tế. Nhiều mô hình kinh tế theo nhóm hộ được hình thành giúp địa phương giảm nghèo bền vững.
Mô hình nuôi dê theo nhóm hộ của thôn Phú Thiềng

Mô hình nuôi dê theo nhóm hộ của thôn Phú Thiềng

Phát triển kinh tế tập trung theo nhóm

Xã Mò Ó, huyện ĐaKrông nơi tập trung chủ yếu người đồng bào Vân Kiều. Cuộc sống đồng bào nơi đây còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận KHKT, bên cạnh đó trình độ văn hóa còn thấp, kinh nghiệm sản xuất còn nghèo nàn, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, khiến cho việc phát triển sinh kế gặp không ít khó khăn. Do đó, vấn đề xây dựng cho các hộ dân nơi đây những phương hướng, giải pháp giúp nâng cao sinh kế, đặc biệt là sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ để cải thiện mức sống hàng ngày cho người dân là hết sức cần thiết.

Để giúp bà con phát triển sinh kế, tạo động lực cùng nhau vươn lên thoát nghèo, cùng nhau làm kinh tế, cấp ủy, chính quyền, Ban giảm nghèo luôn trăn trở tìm tòi những giải pháp phù hợp với điều kiện của đồng bào nơi đây. Và một trong những sáng kiến đem lại hiệu quả đó là mô hình phát triển kinh tế tập trung theo nhóm: Tập hợp những mô hình phát triển kinh tế cùng sở thích và lập đề án chăn nuôi chung.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mò Ó Nguyễn Thị An cho hay: “Năm 2015, khi ý tưởng làm mô hình chăn nuôi theo nhóm cùng sở thích hình thành được người dân rất ủng hộ nhưng làm như thế nào? Lấy vốn ở đâu? Các tổ chức hội, đoàn thể và chính quyền của xã đã bàn bạc rất kỹ, chi tiết từng bước để cùng giúp dân làm kinh tế; đồng thời, phối hợp với NHCSXH để tạo điều kiện về vốn cho bà con”.

Chỉ sau một thời gian ngắn, những mô hình chăn nuôi tập trung đã hình thành, đơn cử như mô hình nuôi dê tại thôn Phú Thiềng, do 5 hộ: Hồ Văn Nhiều, Hồ Văn Cùm, Hồ Văn Hoa, Hồ Văn Thê và Hồ Văn Thoàn cùng hợp tác phát triển. Anh Hồ Văn Nhiều kể: “Qua các buổi sinh hoạt của tổ, tôi và một số hộ chọn con dê vì thị trường bán rất dễ, bên cạnh đó nuôi dê ít bị bệnh. Và chúng tôi hợp lại cùng cán bộ phụ trách tổ lập đề án chăn nuôi và làm hồ sơ vay vốn từ NHCSXH”.

Hướng đi mới

Mô hình nuôi dê ở thôn Phú Thiềng mỗi hộ được vay 50 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo với tổng số tiền là 250 triệu đồng. Được tập huấn, hướng dẫn phương pháp chăn nuôi mới, các hộ đầu tư chuồng trại, chọn mua con giống, thức ăn, tiêm phòng… Trong thời gian chăm sóc phân giao nhau, cứ 1 ngày một hộ chăm và lần lượt thay phiên quay vòng. Qua quá trình thực hiện, nhờ sự chủ động nên hầu hết đàn dê của 5 hộ gia đình này đều phát triển tốt.

Anh Hồ Văn Nhiêu ở thôn Phú Thiềng cho biết thêm: “Được sự hỗ trợ từ NHCSXH và Hội Phụ nữ, tôi thấy đây là hướng đi rất mới, nó giúp gia đình tôi và một số bà con trong nhóm có được nguồn vốn để mạnh dạn hơn trong việc đầu tư chăn nuôi đàn dê hay những mô hình khác như bò nhốt, bò sinh sản, mô hình nuôi lợn bản, lợn rừng. Hiện tại đàn dê đang phát triển khá tốt và thấy dự án này bước đầu đem lại sự tích cực cho người dân”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Mò Ó Nguyễn Đức Linh: “Để giảm nghèo thì từ trước đến nay Đảng và Nhà nước đã có nhiều chương trình dự án mang lại hiệu quả thiết thực, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng chính sách người đồng bào nghèo có cơ hội phát triển sinh kế. Qua thông tin từ các nhóm hưởng lợi cho thấy người dân phấn khởi với cách làm của dự án này, bà con cũng đã tự nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn khi thực hiện dự án”.

Mặc dù mới chỉ thực hiện mô hình chăn nuôi theo nhóm nhưng đã có những tác động tích cực vào ý thức tự giác vươn lên của các hộ dân tham gia, giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Bài và ảnh Xuân Lương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác