Hướng dòng vốn đến phát triển kinh tế “xanh”

07/07/2016
(VBSP News) Biến đổi khí hậu, cùng với tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ đã tác động không nhỏ đến môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống của nhân dân. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bảo đảm môi trường. Trong đó, chính sách tín dụng “xanh” được coi là một trong những giải pháp về tài chính có hiệu quả.
Tín dụng chính sách giúp các hộ gia đình có nguồn nước sạch trong sinh hoạt, nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống

Tín dụng chính sách giúp các hộ gia đình có nguồn nước sạch trong sinh hoạt, nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống

“Dẫn” nước sạch từ hơn 8 triệu công trình

Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của NHCSXH là một trong những kênh tín dụng “xanh” góp phần thực thi có hiệu quả những chính sách bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nhờ nguồn vốn ưu đãi này, hàng triệu hộ dân đã được sử dụng nước sạch với hơn 8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng và đưa vào sử dụng.

Cần Thơ - thủ phủ của miền Tây trù phú, vốn được biết đến với hệ thống kênh rạch phong phú, tạo nên một vùng sông nước cảnh đẹp nên thơ, đặc sắc. Nhưng chính những ưu điểm ấy, lại đang trở thành nỗi trăn trở của chính quyền địa phương và người dân khi những tác động của biến đổi khí hậu đang khiến nơi đây bị ảnh hưởng trầm trọng. Mạng lưới cấp - thoát nước, trong đó có vấn đề nước sạch, luôn là mối quan tâm hàng đầu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, Trương Kim Khuyên cho biết, đời sống sinh hoạt bao đời nay của người dân gắn chặt với những con kênh này. Nguồn nước sử dụng chủ yếu là nước mưa và nước từ các sông, kênh rạch đổ về, nhưng nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm, không bảo đảm vệ sinh. Chính quyền dù rất quan tâm nhưng nguồn lực có hạn cho nên nước sạch của TP Cần Thơ cũng chưa dẫn về hết các xã vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn. Chính vì vậy, việc huy động thêm các nguồn lực để xây dựng các trạm nước sạch hoặc các cây nước do người dân đầu tư xây dựng là rất cần thiết. “Do đó, trong các chương trình tín dụng mà NHCSXH đang triển khai tại địa phương thì chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn có dư nợ chiếm tỷ lệ gần như cao nhất, cũng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân và chính quyền địa phương như vậy”, bà Khuyên chia sẻ. Đến nay, trong tổng số hơn 200 tỷ đồng dư nợ tại huyện Phong Điền với 11 chương trình cho vay thì chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn chiếm tới hơn 30% tổng dư nợ.

Vừa nối ống nước dẫn ra sau nhà để tưới vườn cây ăn trái, chị Lê Ngọc Dung ở ấp Trường Trung A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) cho biết, trước kia, cứ đến mùa khô, nước sinh hoạt còn thiếu chứ đừng nói đến nước để tưới tiêu. Nhưng nay đã khác, khi được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để khoan giếng, cải tạo công trình vệ sinh, gia đình chị đã được sử dụng nước sạch hàng ngày. Không những thế, đến mùa khô cũng không phải lo thiếu nước tưới cây. Qua đó, chị mạnh dạn vay thêm vốn chính sách để gây dựng đàn dê, phát triển kinh tế gia đình. “Có nguồn nước sạch, đã giúp cho công việc chăn nuôi thuận lợi hơn trước rất nhiều”, chị Dung cho biết thêm.

Cần trợ lực để đẩy mạnh tín dụng “xanh”

Qua tìm hiểu thực tế, nhu cầu về vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung rất lớn. “Chương trình này đã giúp hơn 13.600 hộ dân của huyện Phong Điền được sử dụng nước sạch, tạo điều kiện để hoàn thành các tiêu chí vệ sinh môi trường. Nói cách khác, hiệu quả của chương trình đã góp phần quan trọng để địa phương hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới”, bà Trương Kim Khuyên chia sẻ thêm.

Trong khi đó, một số liệu khác cũng cho thấy, hiện tỷ lệ người dân ở nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh trong cả nước đạt hơn 84%. Số hộ gia đình nông thôn có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn là hơn 63%. Đến nay, chương trình cho vay ưu đãi nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã được NHCSXH triển khai tới tất cả 63 tỉnh, thành phố với tổng dư nợ hơn 21.343 tỷ đồng, gần 2,4 triệu hộ còn dư nợ. Với chương trình này, hộ gia đình khu vực nông thôn được vay tiền với lãi suất ưu đãi để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh. Mỗi hộ gia đình được vay nhiều nhất là 6 triệu đồng cho một công trình nước sạch hoặc một công trình vệ sinh, thời hạn vay 5 năm kể từ ngày giải ngân. Mức vay nhiều nhất để một hộ thực hiện cùng lúc cả hai công trình là 12 triệu đồng/hộ.

Không chỉ góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tín dụng “xanh” còn đang dần trở thành “điểm tựa” vững chắc góp phần bảo tồn thiên nhiên, phát triển sinh kế cho người dân, hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng “xanh”.

Hiện, ngoài việc thực hiện chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, NHCSXH cũng đang thực hiện cho vay theo chương trình dự án phát triển lâm nghiệp giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới. Nhưng khác với chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho vay không nhằm mục tiêu kinh doanh, đây là một dự án cho vay trồng rừng thương mại đầu tiên tại Việt Nam, với hai mục tiêu là bảo tồn thiên nhiên và chống biến đổi khí hậu từ những dự án trồng rừng. Tính đến hết tháng 4/2016, tổng dư nợ cho vay phát triển lâm nghiệp đạt hơn 516 tỷ đồng với gần 17 nghìn hộ còn dư nợ. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2016, doanh số cho vay của chương trình đạt gần 11 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt hơn 30 tỷ đồng với 242 lượt hộ vay vốn. Nguồn vốn đến nay đã giúp phủ kín hơn 70 nghìn hec-ta rừng trồng sản xuất.

Bên cạnh những chương trình triển khai cụ thể từ NHCSXH nhằm hướng dòng vốn đến phát triển kinh tế “xanh”, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện các dự án góp phần bảo vệ môi trường, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Theo đó, yêu cầu hệ thống ngân hàng tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh thân thiện môi trường và xã hội; yêu cầu các tổ chức tín dụng phải xem xét và triển khai các giải pháp quản lý rủi ro môi trường và xã hội khi thẩm định khách hàng vay vốn;… Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện để NHCSXH thực hiện tốt các chương trình tín dụng cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và một số chương trình tín dụng như: Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt khu vực miền trung, phát triển lâm nghiệp.

Tuy nhiên, để hướng dòng tín dụng vào phát triển kinh tế “xanh”, NHCSXH nói riêng cũng như toàn hệ thống ngân hàng đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Chương trình tín dụng ưu đãi nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cũng đang nảy sinh khó khăn trong triển khai trên thực tế khi hầu hết các chi phí nhân công và nguyên, vật liệu ngày càng tăng cao, đặc biệt ở địa bàn Tây Nguyên hay các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Đơn cử tại vùng Tây Nguyên, riêng việc mua sắm bồn chứa nước, máy bơm nước cho một gia đình sử dụng đã lên tới hơn sáu triệu đồng, chưa kể xây dựng nhà vệ sinh và các chi phí phát sinh khác. Tại đây, một số hộ khó khăn khi xây dựng hoàn toàn bằng vốn vay (với mức vay nhiều nhất không quá 12 triệu đồng cho cả 2 công trình) dẫn tới việc công trình không bảo đảm chất lượng; hoặc sau khi tính toán xong thì cũng không dám vay vì không đủ chi phí hoàn thiện. Do vậy, nhiều ý kiến đề xuất nên tăng mức cho vay lên 10 triệu đồng/công trình để phù hợp với chi phí, giá cả vật tư hiện nay nhằm bảo đảm chất lượng các công trình vệ sinh hoặc cho vay để cải tạo các công trình vệ sinh và nước sạch đối với các công trình đã trả hết nguồn vốn vay trước kia.

Ngoài ra, mặc dù đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng “xanh” đã và đang là hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu, nhưng đối với Việt Nam, đây vẫn là lĩnh vực khá mới mẻ. Vì vậy, để triển khai rộng rãi chủ trương này ra toàn hệ thống cũng là một thách thức. Chưa kể, để đầu tư cho hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội, xây dựng chuyên môn, năng lực cho nhân viên,… trong lĩnh vực tín dụng “xanh” cũng phát sinh chi phí không nhỏ. Vì vậy, để tăng trưởng tín dụng “xanh”, không chỉ cần nỗ lực của riêng hệ thống ngân hàng mà còn cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các bộ ngành để đưa ra những chính sách cụ thể hơn nhằm bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.

Bài và ảnh Hồng Anh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác