Tín dụng chính sách trên huyện đảo tiền tiêu
Với mục tiêu “Vì hạnh phúc của người nghèo, vì an sinh xã hội”, những năm qua NHCSXH huyện Vân Đồn đã luôn làm tốt vai trò là cầu nối giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo.
Đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Vân Đồn đạt trên 130 tỷ đồng với 11 chương trình tín dụng ưu đãi, xây dựng được mạng lưới 12 Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn, 135 Tổ tiết kiệm và vay vốn được đặt tại các thôn trong toàn huyện. Để đồng vốn đến tay các đối tượng thụ hưởng đạt hiệu quả, NHCSXH huyện Vân Đồn đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, triển khai rà soát, xác định đối tượng để cho vay vốn, đưa vốn vay ưu đãi đến đúng đối tượng, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận dễ dàng vốn vay.
NHCSXH huyện còn thường xuyên tổ chức giao ban với các hội, đoàn thể nhận uỷ thác, kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của các gia đình khó khăn. Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tại các Điểm giao dịch đều công khai chế độ chính sách tín dụng ưu đãi, hướng dẫn thủ tục. Cách làm này đã tạo thuận lợi rất lớn trong việc kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của các hộ gia đình thiếu vốn sản xuất.
Số liệu thống kê của NHCSXH huyện Vân Đồn cho thấy, trong năm 2015 đã có trên 2.000 đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi, góp phần giúp các hộ vay vươn lên thoát nghèo, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập ổn định. Các hộ nghèo sử dụng vốn đúng mục đích, phát triển sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống và thu nhập.
Điển hình như gia đình anh Nguyễn Thái Thụy ở khu 1, thị trấn Cái Rồng. Anh Thụy cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện khó khăn, cả 2 vợ chồng đều không có việc làm ổn định. Nhờ nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ NHCSXH, tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại, mua lợn giống về để chăn nuôi. Đến nay, đàn lợn đã có 8 con, trung bình 4 tháng xuất chuồng một lần, trừ chi phí tôi còn để dành được hơn 30 triệu đồng, cuộc sống gia đình đã khá hơn trước rất nhiều”.
Một điểm đến nữa trên huyện đảo Vân Đồn mà chúng tôi được đến thăm là xã Đảo Quan Lạn - cách trung tâm huyện khoảng 40km, nằm ở phía đông nam của tỉnh Quảng Ninh. Với diện tích khoảng 11km2, dân cư khoảng 974 hộ (trong đó có 16 hộ gia đình là dân tộc thiểu số), hộ nghèo 109 hộ, hộ cận nghèo 50 hộ. Thường xuyên bị hứng chịu những cơn bão lớn, đất đai canh tác không có, cuộc sống người dân trên đảo trước kia phải trông chờ vào trợ cấp. Vài năm trở lại đây, có thể thấy cuộc sống của người dân xã đảo đã thực sự thay đổi nhờ vào những đồng vốn vay ưu đãi. Đằng sau những dãy phi lao xanh mát, những dải cát trắng là những ngôi nhà cao tầng khang trang, hiện đại đang tiếp tục được xây mới...
Được sự dẫn đường của các cán bộ tín dụng, chúng tôi đến gia đình anh Nguyễn Văn Hà, một hộ dân sinh sống tại xã Quan Lạn. Được biết, năm 2013 anh Hà được vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi từ chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để đầu tư mua ngư cụ đánh bắt hải sản. Đến nay, kinh tế gia đình anh đã được cải thiện. Gặp chúng tôi, anh Hà hồ hởi khoe: “Mong sao trời yên biển lặng giúp chúng tôi đánh bắt nhiều cá để không còn lo cái nghèo cứ đeo bám và trả nợ ngân hàng đúng hạn. Gia đình rất cảm ơn NHCSXH đã hướng dẫn nhiệt tình, hỗ trợ, cho chúng tôi thêm có cơ hội để phát triển kinh tế”.
Đánh giá cao nguồn vốn của NHCSXH đối với công tác xóa nghèo tại địa phương, ông Lưu Minh Đức - Chủ tịch UBND xã Quan Lạn, cho biết đến nay, dư nợ của NHCSXH tại xã đảo này đạt 19.601 triệu đồng với 796 hộ gia đình vay vốn, chiếm 14,89% tổng dư nợ toàn huyện. Trong đó tập trung vào một số chương trình như: Cho vay hộ nghèo 631 triệu đồng, hộ cận nghèo 10.938 triệu đồng, hộ mới thoát nghèo 180 triệu đồng, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn 3.571 triệu đồng, học sinh sinh viên 135 triệu đồng, hộ nghèo làm nhà ở 68 triệu đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 3.828 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH, các hộ dân trên đảo đầu tư mua sắm ngư lưới cụ khai thác thủy, hải sản, mua xe lam phục vụ khách du lịch… Đến nay diện mạo của đảo đã thay đổi rất nhiều, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên đảo được nâng cao.
Có thể nói rằng các giải pháp hiệu quả và thiết thực, NHCSXH huyện Vân Đồn đã và đang phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các tổ chức hội, đoàn thể, tư vấn, phổ biến, hướng dẫn các hộ vay vốn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tìm mô hình làm ăn phù hợp để bà con học tập, áp dụng. Từ đó, hiệu quả nguồn vốn vay được phát huy, nâng cao thu nhập, tạo thêm việc làm cho người dân. Nguồn vốn vay ưu đãi đã được bà con đầu tư đúng hướng, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, giúp nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Bài và ảnh Trần Phương
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hành trình tạo lập cơ chế nguồn vốn địa phương để cho vay giảm nghèo bền vững tại TP Hồ Chí Minh
- » Người dân La Gi với nguồn vốn vay nước sạch và vệ sinh môi trường
- » Đổi thay trên vùng đất khó
- » Cùng giúp nông dân làm giàu
- » Chất lượng tín dụng tốt, dân hưởng lợi nhiều
- » NÂNG MỨC CHO VAY: Thêm một đồng, bớt một phần gánh nặng
- » Hộ nghèo ở thành phố Quảng Ngãi vay vốn thoát nghèo
- » Vốn vay ưu đãi được người nghèo ở Quan Hóa sử dụng đúng mục đích
- » Đưa nước sạch về vùng mặn
- » Mang niềm vui đến với ngư dân