Đổi thay trên vùng đất khó

24/06/2016
(VBSP News) Trước đây, Minh Lập nằm trong danh sách các xã miền núi khó khăn nhất của huyện Đồng Hỷ dù ở ngay giữa vùng chè Trại Cài 1 có tiếng về chất lượng của cả tỉnh Thái Nguyên. Để giúp cho Minh Lập thoát khỏi tình trạng nghèo khó và phát huy được thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng, cây trồng vốn có, thời gian qua, các cấp, các ngành tại địa phương và NHCSXH đã chung tay góp sức cùng cấp uỷ, chính quyền tạo thế phát triển sản xuất tập trung vào cây chè bên cạnh chăn nuôi gia súc gia cầm, xây dựng nông thôn mới.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở xóm Trại Cài 1 vay vốn NHCSXH về mua máy chế biến búp chè tươi ngay tại nhà

Gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở xóm Trại Cài 1 vay vốn NHCSXH về mua máy chế biến búp chè tươi ngay tại nhà

Chủ tịch UBND xã Minh Lập, Dương Minh Hùng cho hay, với 20 tỷ đồng của 8 chương trình tín dụng chính sách, hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở 27 Tổ tiết kiệm và vay vốn trong toàn xã đã được vay vốn đầu tư vào phát triển cây chè và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại, gia trại. Hiện toàn xã có hơn 400ha chè đang cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 9 tấn/ha. Nhờ nguồn vốn chính sách hỗ trợ kịp thời, nhiều hộ dân thoát nghèo nhanh, có của ăn, của để. Cũng từ nguồn vốn vay, xã có điều kiện củng cố hoạt động của 4 làng nghề chè và chủ động tổ chức tập huấn về trồng mới, chế biến chè cho người làm chè, đồng thời vận động bà con thay thế những nương chè già cỗi được khoảng 19ha/năm.

Người dân ở xóm Trại Cài 1 trước đây chủ yếu hái chè búp rồi bán luôn cho thương lái nhưng từ khi được vay vốn chính sách, bà con không chỉ chủ động đầu tư thâm canh vườn chè mà còn mua sắm cả thiết bị máy sao chè, làm cho giá trị gia tăng của cây chè cao gấp bội. Gia đình chị Nguyễn Thị Hương được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét đề nghị NHCSXH huyện Đồng Hỷ cho vay 20 triệu đồng. Nhận tiền vay cùng với số tiền tích luỹ được, chị đã mua giống chè xanh F2 và phân bón để mở rộng thêm 2 sào chè, đồng thời mua máy chế biến búp chè tươi ngay tại nhà. “Hiện gia đình tôi thoát hẳn nghèo, trả hết nợ cho ngân hàng. Tính bình quân mỗi tháng thu hoạch 1 tạ chè khô, sau khi trừ các khoản chi phí cũng lãi khoảng 5 triệu đồng/tháng”, chị Hương tâm sự.

Gia đình anh Trần Quốc Huy ở xóm La Thành trước đây do đông con, thiếu vốn sản xuất nên mỗi năm thường thiếu ăn vài tháng. Được chính quyền, Hội Nông dân xã hướng dẫn với quyết tâm vượt qua nghèo khó, năm 2009, anh Huy vay vốn thực hiện sản xuất 3000m2 chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Vườn chè phát triển tốt, năm vừa qua cho thu nhập gần 80 triệu đồng, giúp cuộc sống gia đình anh ổn định, kinh tế khấm khá hơn rất nhiều.

Cùng với việc phát triển cây chè, xã Minh Lập còn chú trọng vận động nhân dân sử dụng vốn vay chính sách vào xây dựng các loại hình trang trại, gia trại chăn nuôi. Đến nay, toàn xã có tổng số 30 trang trại bò, lợn, trung bình mỗi trang trại cho thu nhập tới 150 triệu đồng/năm.

Nguồn vốn chính sách đã góp phần làm đổi thay vùng đất khó Minh Lập. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người tăng thêm 5 triệu đồng/năm so với năm 2014. Số hộ nghèo giảm từ 308 hộ xuống còn 181 hộ. Toàn xã đã hoàn thành 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

“Nhằm tiếp tục nâng cao cuộc sống cho người dân nghèo ở xã Minh Lập nói riêng, huyện Đồng Hỷ nói chung, thời gian tới NHCSXH sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn triển khai hiệu quả hơn nữa công tác cho vay vốn gắn với việc áp dụng KHKT vào sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó chú trọng tới việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn”, Giám đốc NHCSXH huyện Đồng Hỷ, Nguyễn Thị Mười cho biết.

Bài và ảnh Trần Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác