Mang niềm vui đến với ngư dân

14/06/2016
(VBSP News) Những ngày cuối tháng 5 vừa qua, cán bộ NHCSXH tỉnh Quảng Trị đã mang niềm vui đến với làng biển khi giải ngân vốn vay ưu đãi cho ngư dân trên địa bàn 12 xã, thị trấn thuộc 4 huyện bị thiệt hại do ảnh hưởng cá chết bất thường trên địa bàn.
Ngư dân xã Gio Hải nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã

Ngư dân xã Gio Hải nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã

Trước tình hình khó khăn của bà con ngư dân và các hộ SXKD ven biển sau nạn cá chết bất thường, NHCSXH tỉnh Quảng Trị đã nhanh chóng bố trí cán bộ tiến hành rà soát các đối tượng bị thiệt hại, tổng hợp số liệu vốn vay NHCSXH bị ảnh hưởng do nạn cá chết tại Quảng Trị khoảng trên 53 tỷ đồng với trên 2.200 lao động biển bị ảnh hưởng trực tiếp của 700 hộ gia đình hoạt động ngư nghiệp và 54 hộ kinh doanh dịch vụ ven biển.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Trị, Nguyễn Đức Đồng cho biết: “Để xử lý kịp thời đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng do hải sản chết gây ra, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, NHCSXH đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất NHCSXH Trung ương cấp vốn hỗ trợ ngư dân vay chuyển đổi nghề nghiệp. Theo đó, tỉnh Quảng Trị được Trung ương cấp bổ sung 30 tỷ đồng đối với chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để tập trung nguồn vốn này giải quyết nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất của ngư dân các địa phương”.

Sau khi có Quyết định phân bổ 30 tỷ đồng đã được chi nhánh chuyển kịp thời về NHCSXH tại các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng để giải ngân cho 1.423 hộ dân các địa phương ven biển. Chỉ trong vòng 1 tuần triển khai, đến nay toàn bộ nguồn vốn vay hỗ trợ SXKD cho ngư dân đã đến tận tay người có nhu cầu. Từ sáng sớm, nhiều bà con ngư dân đã có mặt tại trụ sở UBND xã Gio Hải, huyện Gio Linh để đón đoàn cán bộ NHCSXH về giải ngân vốn vay tại địa phương. Bà con rất phấn khởi bởi vốn về đúng lúc ngư dân đang cần tiền để đầu tư làm thêm nghề phụ khi không đi biển được. Đặc biệt, với những ngư dân vùng biển bãi ngang như xã Gio Hải đồng vốn ưu đãi bằng hình thức tín chấp thông qua các hội ủy thác càng có ý nghĩa rất lớn bởi ngư dân chủ yếu mưu sinh bằng nghề đánh bắt ven bờ, thu nhập bấp bênh, tài sản cũng không có gì đáng giá để thế chấp vay vốn tại các NHTM.

Chị Phan Thị Hương ở thôn 4, xã Gio Hải cho biết gia đình chị có chiếc thuyền máy đánh bắt ven bờ do chồng chị là anh Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ. Khoảng thời gian đi biển của anh Vĩnh kéo dài từ 2 - 10h sáng hàng ngày có thể cho thu nhập vài trăm nghìn đồng/ngày. Sau khi cá biển chết, anh Vĩnh phải ngừng đi biển ven bờ và tạm thời xin làm bạn cho tàu đánh bắt xa bờ ở thị trấn Cửa Việt, tuy nhiên thu nhập cũng không chắc chắn bởi thời gian qua thị trường tiêu thụ hải sản ế ẩm, giá cả biển giảm mạnh. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, chị Hương lo lắng, bởi hơn 2 tháng qua, các khoản sinh hoạt phí của gia đình và tiền trang trải việc học hành của 3 đứa con đều nhờ vào đồng lương ít ỏi của chị. Là công nhân môi trường đô thị, công việc khá vất vả nên trước đây khi có nguồn thu từ nghề biển của chồng, thì đi làm về chị Hương có thể nghỉ ngơi, chăm lo việc gia đình. Giờ nghề biển của chồng thất thu, các con học hành ngày càng tốn kém nên chị rất muốn có thêm nghề phụ kiếm thêm thu nhập. Được vay 50 triệu đồng trong đợt này của NHCSXH, chị Hương rất vui mừng vì có một khoản vốn ban đầu để đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, tạo thêm nguồn thu cho gia đình.

Vốn ưu đãi tiếp tục đồng hành cùng ngư dân Quảng Trị

Vốn ưu đãi tiếp tục đồng hành cùng ngư dân Quảng Trị

NHCSXH huyện Triệu Phong là đơn vị dẫn đầu lượng vốn giải ngân cho vay ngư dân với trên 10,6 tỷ đồng cho 422 hộ thuộc 3 xã vùng biển là Triệu An, Triệu Vân và Triệu Lăng. Là địa phương vùng biển bãi ngang, xã Triệu Vân có 3 thôn giáp biển, đời sống một bộ phận lớn người dân chủ yếu dựa vào đánh bắt và chế biến thủy, hải sản. Trung bình mỗi năm sản lượng khai thác đạt từ 120 - 150 tấn hải sản các loại. Thông thường vụ cá như hiện nay là mùa đánh bắt chính của ngư dân địa phương. Tuy nhiên vụ này, do ảnh hưởng hiện tượng cá chết bất thường, ngư trường đánh bắt hải sản giảm từ 55 - 60%. Thị trường tiêu thụ hải sản cũng gặp nhiều khó khăn. Theo ông Hồ Xuân Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân, nhiệm vụ cấp bách trước mắt của chính quyền xã là tìm giải pháp chuyển một bộ phận lao động nghề cá và hậu cần nghề cá sang trồng trọt, chăn nuôi và một số ngành nghề khác để tạo điều kiện tăng thu nhập cho người dân. Xã khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích các loại cây trồng cạn trên cát, có chất lượng cao như đậu đen xanh lòng, mướp đắng, dưa leo, nén… kết hợp hình thức trồng thuần, luân canh, xen canh gối vụ thích hợp để tăng hệ số sử dụng đất và giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, trên cơ sở đất đã được quy hoạch, xã Triệu Vân vận động nhân dân mở mang thêm các cơ sở chăn nuôi trang trại, gia trại, xây dựng ao nuôi cá nước ngọt, phát triển trồng cỏ để nuôi bò. Nhưng để thực hiện những vấn đề này, bà con ở đây gặp nhiều khó khăn trong đó nan giải nhất là nguồn vốn đầu tư ban đầu. Vì vậy, nguồn vốn gần 2,7 tỷ đồng hỗ trợ SXKD của NHCSXH chuyển về cho ngư dân xã Triệu Vân đúng vào thời điểm này có ý nghĩa rất lớn để hỗ trợ sinh kế, giúp ngư dân sớm ổn định cuộc sống.

Có thể nói việc giải ngân hỗ trợ kịp thời nguồn vốn vay cho ngư dân các địa phương ven biển trong thời gian qua của NHCSXH tỉnh Quảng Trị là hành động hết sức thiết thực chia sẻ những khó khăn, thiệt hại sau sự cố cá chết của ngư dân. Tin tưởng rằng đồng vốn nghĩa tình của NHCSXH sẽ mang lại sự chuyển mình tích cực trong cơ cấu ngành nghề của các địa phương ven biển.

Bài và ảnh Lâm Thanh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác