Nhiều kỳ vọng từ nguồn vốn chính sách

02/06/2016
(VBSP News) Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ được NHCSXH tỉnh Đồng Nai thực hiện thời gian qua đã được người nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng hiệu quả, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững.
Chị Đặng Thị Kim Ánh vay vốn ưu đãi về đầu tư trồng quýt

Chị Đặng Thị Kim Ánh vay vốn ưu đãi về đầu tư trồng quýt

Hiệu quả từ đồng vốn vay

Năm 2008, chị Bùi Thị Ngọc Hương ở ấp 4 xã Phú Ngọc, huyện Định Quán vay 10 triệu đồng của NHCSXH, sau đó chị dùng 2 triệu đồng để làm chuồng, còn lại 8 triệu chị dùng để mua cá sấu giống về nuôi. Hai năm sau, đàn cá sấu đầu tiên chị xuất bán, trả hết nợ gốc và lãi cho ngân hàng, lời thêm được số tiền kha khá. Năm 2014 chị lại có nhu cầu tăng dần đàn cá sấu, mạnh dạn đề xuất NHCSXH cho vay 30 triệu đồng. Đàn cá sấu của gia đình chị có thời điểm lên tới 200 con, con nào trưởng thành có giá bán đến 2 triệu đồng. Không chỉ dừng lại ở đó, chị còn dành dụm tiết kiệm mua tới cả 1.000m2 đất, dự định mở rộng chuồng trại tăng đàn cá sấu. “Nhờ chủ động vay được tiền ưu đãi và vốn tự có, từ khi chỉ biết nuôi vài con là đã phấn khởi, nay nuôi cả đàn tới hàng trăm con, gia đình cảm thấy vui hơn khi đồng vốn thực sự hữu ích giúp gia đình thoát cảnh nghèo khó cơ cực, con cái có điều kiện học hành lên cao”, chị Hương tâm sự.

Trong khi đó chị Đặng Thị Kim Ánh ở ấp 3, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán cho hay, năm 2013 chị được các cấp Hội Phụ nữ bình xét là đối tượng thuộc vay vốn NHCSXH đợt này, thế rồi chị được NHCSXH cho vay 45 triệu đồng hộ cận nghèo. Có tiền trong tay mà anh chị không tin nổi với số tiền lớn đó sẽ đầu tư vào việc gì, làm gì trước. Nhiều đêm trăn trở nghĩ suy, anh chị cũng tìm được lời giải cho mình đó là đầu tư ngay vào trồng hơn 1 mẫu điều ngay tại vườn của gia đình bị bỏ hoang lâu ngày. Ngoài ra, chị Ánh còn xen canh quýt. Nhờ đó cứ mỗi lần thu hoạch gia đình cũng thu về gần 100 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Nguyễn Hòa Hiệp cho biết, tỉnh Đồng Nai có 9 huyện, trong đó hiện nay có 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 2 huyện đang đề xuất Chính phủ phê duyệt. Những kết quả này cho thấy có sự đóng góp tích cực của đồng vốn tín dụng chính sách được NHCSXH tỉnh Đồng Nai triển khai hiệu quả trong hơn một thập kỷ qua.

Nhiều kỳ vọng từ nguồn vốn

Tổng dư nợ 12 chương trình cho vay tại Đồng Nai hiện nay đạt 1.800 tỷ đồng. Trong đó 640 tỷ đồng được cho vay chủ yếu đến hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, còn lại là các chương trình tín dụng khác như HSSV, NS&VSMTNT, giải quyết việc làm…

Là hộ nghèo, năm 2013 chị Nguyễn Thị Hạnh ngụ tại ấp 3, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán vay 20 triệu đồng về nuôi dê. Việc nuôi dê hiệu quả đã giúp chị Hạnh trả được vốn vay để được nhận món vay lần 2 từ NHCSXH mua bò sinh sản. “Gia đình hiện nay còn nghèo lắm, chưa giàu được, nhưng với cách chăn nuôi đúng khoa học mà tôi học được trong chương trình Bạn nhà nông trên ti vi, tôi hy vọng cuộc sống gia đình sẽ khác nhiều”, chị Hạnh nói.

Đối với gia đình ông Trần Tấn Lộc và bà Nguyễn Thị Lái ở làng bè La Ngà, xã Phúc Ngọc mới thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã cách đây chưa lâu, nhưng cho chúng tôi biết vẫn cần đến đồng tiền chính sách để “chống lưng” cho kinh tế gia đình được vững vàng hơn. Ông đang đề nghị NHCSXH cho vay 40 triệu đồng, chỉ nửa năm thôi vợ chồng ông sẽ làm ra được khoảng 30 triệu đồng. Chúng tôi hỏi, làm thế nào đồng vốn lại được sinh lời cao như vậy? Ông Lộc quả quyết cho hay: “Sớm nhất là khoảng 4 tháng vợ chồng tôi xuất bán lứa cá đủ các loại trắm, trôi, rô phi… ước khoảng 1,5 tấn, trừ chi phí mua giống, thức ăn… cầm chắc trong tay 30 triệu đồng tiền lãi. Hết lứa cá này tôi lại gạn ao có thể nuôi tiếp 3 lứa liên tục”.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Ngọc, Nguyễn Hoàng Thu Thủy, cho hay, toàn xã có khoảng 300 hộ vay vốn ưu đãi. Việc bình xét, cấp vốn và sử dụng vốn được giám sát chặt chẽ từ đầu đến cuối nên tỷ lệ nợ quá hạn rất thấp, gần như không có. Việc sử dụng vốn vay đúng mục đích giúp người dân trở nên khấm khá hơn, nhờ đó mà Phú Ngọc đã trở thành xã nông thôn mới.

Bí thư huyện ủy Định Quán, Bùi Xuân Thống nhận xét: “Từ khi NHCSXH hiện diện trên địa bàn đã giải bài toán cho địa phương về vốn cho bà con. Dòng vốn tín dụng đã “chảy” tới tận tay bà con để yên tâm cấy cày, làm vườn và chăn nuôi. Không những vậy còn tạo điều kiện cho các cháu HSSV yên tâm học tập, nâng cao sức khỏe cộng đồng thông qua chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn,…”.

Bài và ảnh Công Nghĩa

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác