Đổi đời nhờ vốn vay ưu đãi

31/05/2016
(VBSP News) 8 triệu, 20 triệu rồi 30 triệu đồng... từng khoản vay tuy nhỏ nhưng đã giúp đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum ổn định được cuộc sống lâu dài.
Chị Trần Thị Kim Hương sử dụng vốn vay nuôi bò vỗ béo

Chị Trần Thị Kim Hương sử dụng vốn vay nuôi bò vỗ béo

Sức sống vốn chính sách

Gặp chị Y Ly Sa, người dân tộc Ka Dong ở thôn Đăk Vang, xã Sa Loong tại phiên giao dịch thường kỳ của NHCSXH huyện Ngọc Hồi, không ai nghĩ chị là một trong những hộ điển hình sử dụng hiệu quả đồng vốn vay ưu đãi.

Năm 2010, Y Ly Sa lập gia đình và được tách hộ lập vườn. Cuộc sống là một mảng màu trắng tinh từ vườn đến nhà. Lúc đó, Bí thư chi đoàn xã Y Ly Sa hiểu rằng, chẳng có cách nào khác phải bám đất, bám làng mà sống và lập nghiệp. Năm 2013, hai vợ chồng mạnh dạn vay 30 triệu đồng vốn chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để trồng 1ha cà phê và mua thêm 1 con bò mẹ.

Sau 3 năm miệt mài chăm sóc cà phê và bò “hơn cả bản thân”, đến nay hai vợ chồng đã có trong tay một gia tài đáng nể: đàn bò 6 con trị giá 80 triệu đồng; vườn cà phê cũng đang thì xanh tốt; vườn sắn cho thu nhập mỗi năm 20 triệu đồng. Trong nhà bây giờ đã có của ăn của để, lại còn có cả xe ô tô bán tải để chuyên chở sắn và mua sắm vật tư phục vụ sản xuất. Y Ly Sa bảo, “nếu NHCSXH không cho vay vốn, động viên, hướng dẫn cả cách làm ăn, gia đình chắc vẫn trắng tay như 3 năm trước”, chị Y Ly Sa chia sẻ.

Giám đốc NHCSXH huyện Ngọc Hồi, Ngô Thanh Bình thông tin, tổng dư nợ của đơn vị đến nay đạt hơn 208 tỷ đồng. Riêng xã Sa Loong đạt gần 26 tỷ đồng với hơn 1 nghìn hộ đang vay. Ở Sa Loong bây giờ, những hộ như Y Ly Sa không còn là hiếm nữa. Đã có rất nhiều bà con có cuộc sống khá giả hơn nhờ được những khoản vay nhỏ của NHCSXH tiếp sức kịp thời. Thậm chí, có những hộ đã trở thành “đại gia” vùng nông thôn miền núi như hộ anh Đinh Công Cường, Trần Sĩ Hải với thu nhập mỗi năm khoảng 150 triệu đồng.

Một điển hình nữa là hộ chị Trần Thị Kim Hương ở thôn 2, xã Hòa Bình, TP Kon Tum. Ở tuổi trạc tứ tuần, chị Hương vừa mới ra khỏi danh sách hộ nghèo của thôn. Năm 2012, chị được Hội Phụ nữ thôn 2 giới thiệu vay 38 triệu đồng từ 2 chương trình giống như chị Y Ly Sa. Có vốn, vợ chồng chị nghĩ ngay đến việc nuôi bò vỗ béo - vì nuôi bò là nghề gia truyền của cả hai vợ chồng - chị Hương cho biết. Sau 3 năm chăn nuôi thuận lợi, anh chị đã xây nhà mới và gây được đàn bò trị giá hơn 80 triệu đồng. Chị Hương nhẩm tính, hiện vợ chồng chị vay NHCSXH 22 triệu đồng, vay bà con họ hàng 20 triệu đồng dùng vào việc xây nhà. “Nếu cứ đà này, số vốn vay trên chúng tôi sẽ sớm trả hết được”, chị Hương nói.

Trăn trở còn nhiều

Trên các cung đường trong huyện, màu xanh của cao su, cà phê trải dài mướt mát. Giám đốc NHCSXH huyện Ngọc Hồi, Ngô Thanh Bình cho biết,  hơn chục ngày trước những vạt cao su, cà phê này xém chút đã “đi tong” vì nắng hạn kéo dài. Mấy hôm nay, mưa đầu mùa liên tiếp trút xuống phần nào giải cơn khát cho người cho cây. “Cuộc sống của nông dân phụ thuộc nhiều vào thời tiết và giá cả thất thường của thị trường”, ông Bình trăn trở.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Kon Tum, Lê Danh Thứ có một nỗi lo khác. Đó là đời sống của đồng bào DTTS ở huyện Kon Plông - huyện 30a - rất khó khăn nhưng việc vay vốn của đồng bào nơi đây chưa nhiều. Nguyên nhân có nhiều, nhưng có lẽ quan trọng nhất là đồng bào đã quá quen với việc nhận hỗ trợ nên tư tưởng ỷ lại là không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, hộ đồng bào DTTS thường thiếu kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, việc áp dụng tiến bộ KHKT còn hạn chế, tư duy làm ăn đơn giản, do đó hiệu quả sử dụng vốn chưa cao. Do để, để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo rất cần sự chung tay, vào cuộc của các cấp, các ngành.

Bài và ảnh Thái Bình

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác