Đồng bào ở Hàm Tân vui với nguồn vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

31/05/2016
(VBSP News) Nắng hạn kéo dài nên tình trạng thiếu nước ở một số huyện ở Bình Thuận ngày càng trầm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương. Trước tình cảnh khô hạn, khát khao có được nguồn nước sinh hoạt ổn định để sử dụng là mong mỏi lớn nhất của bà con đồng bào nơi đây.
Đồng bào ở vùng hạn sử dụng vốn vay ưu đãi để lắp đường ống dẫn, xây bể chứa nước

Đồng bào ở vùng hạn sử dụng vốn vay ưu đãi để lắp đường ống dẫn, xây bể chứa nước

Chúng tôi về Hàm Tân (Bình Thuận) giữa đỉnh điểm của đợt nắng hạn, đi xe máy giữa trưa hè cảm tưởng như ngồi gần lò than đang rực lửa. Ngược vào Quốc lộ 55, con sông Phan mới hồi mùa mưa nước dâng cuồn cuộn hung dữ như muốn cuốn phăng tất cả ra biển Đông giờ cạn trơ đáy, giữa lòng sông đá lởm chởm chẳng thấy vũng nước nào còn sót lại. Chỉ nhìn sông Phan sẽ cảm nhận được hạn hán ở Hàm Tân khốc liệt đến nhường nào.

Dù không có hẹn trước nhưng Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân, Dương Ngọc Thông vẫn dành thời gian cho chúng tôi khi nói về diễn biến nắng hạn trên địa bàn xã Sông Phan. Xã có 1.117 hộ/5.271 khẩu, phân bổ đều ở 4 thôn, trong đó có Tân Quang là thôn thuần đồng bào DTTS với 244 hộ/967 khẩu. Đa phần người dân Sông Phan sống bằng nghề nông nghiệp và chăn nuôi, đời sống còn nhiều khó khăn, toàn xã có 137 hộ nghèo.

Anh Thông cho biết: “Tuy đời sống người dân còn khó khăn nhưng cấp ủy và chính quyền địa phương, đặc biệt là NHCSXH đã quan tâm đến vấn đề cho vay vốn làm các công trình xây bể chứa nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của bà con. Trước đây, bà con không quan tâm nhiều đến sử dụng nước sạch nhưng qua tuyên truyền cộng với vốn vay ưu đãi từ NHCSXH nên hiện nay 100% hộ trong xã sử dụng nước sạch và có nhà vệ sinh”.

Đúng canh ngọ, giữa đỉnh điểm cái nắng gay gắt như đổ lửa, cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Hàm Tân phụ trách xã Sông Phan, Nguyễn Quốc Mạnh dẫn tôi vào nhà Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Phạm Thị Gái ở tổ 5, thôn Tân Quang để cùng đi thực tế vào những hộ vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Hỏi cán bộ NHCSXH sao phải đi vào “giờ ngọ” mà không phải vào giờ khác cho bớt nắng, anh cười nói: “Ở đây hầu hết là người dân tộc R’Lay nên phải đi buổi trưa hoặc tối mới có ở nhà, còn giờ khác họ đi làm thì không thể gặp được”.

Tổ trưởng Phạm Thị Gái khá nhiệt tình khi biết mục đích của chúng tôi, chị kể: “Tổ có 59 hộ và đều là đồng bào DTTS, hộ vay NHCSXH ít nhất là 5 triệu đồng và nhiều nhất là 30 triệu đồng. Hầu hết các hộ vay đều có “món” xây dựng nhà vệ sinh và lắp đặt đường ống dẫn nước sạch, một số đầu tư vào chăn nuôi bò rất hiệu quả. Người đồng bào rất thật, sử dụng vốn đúng mục đích và trả lãi gốc đúng hạn nên chúng tôi yên tâm lắm”.

Đến hộ anh Phan Quang Hà, dân tộc R’Lay ở đường 20, thôn Tân Quang. Nhà có 4 con, thuộc diện nghèo nhất thôn. Căn nhà cấp 4 của gia đình tuy không đủ tiền bao lớp xi măng bên ngoài nhưng khu vệ sinh lại được lát gạch sạch sẽ, cạnh công trình vệ sinh là 2 “bi” xi măng to chứa nước máy để dùng dần. Anh thật thà kể: “Được vay 12 triệu đồng từ chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cùng với vốn tự có, gia đình làm công trình nước sạch và công trình vệ sinh hết tất cả là 18 triệu đồng, nhờ nguồn vay này mà hơn nửa mùa nay gia đình có nước sạch để dùng và công trình vệ sinh chứ không sẽ rất cực”.

Cách nhà anh Hà khoảng 500m, chị Phan Thị Luyền, dân tộc R’Lay đang giặt áo quần khi thấy chúng tôi ghé thăm, chị hồ hởi kể: “Trước đây cả khu này đều xài nước sông Phan để sinh hoạt nhưng từ khi có tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhà nào cũng vay để dẫn nước sạch về sinh hoạt, làm cả nhà vệ sinh nữa. Nước hiện nay hơi hiếm nên nhà máy thông báo 2 ngày mới cấp 1 lần. Thôn tôi còn may mắn lắm chứ mấy năm trước phụ thuộc vào nước sông Phan thì lấy đâu có nguồn nước cho sinh hoạt”.

Hiện ở xã Sông Phan có hàng trăm lượt hộ vay chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với dư nợ gần 4 tỷ đồng.

Ở huyện Hàm Tân, một số xã đang đối mặt với nắng hạn gay gắt, không những cây trồng đang bị cháy dần mà ngay cả nước sinh hoạt cũng khan hiếm, mặc dù tỉnh cũng đã cung cấp một phần nước sạch cho dân nhưng nước vẫn thiếu. Vì vậy, nhiều hộ ở xã Tân Thắng, Thắng Hải phải qua tận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để chở nước sạch hay ở xã Tân Phúc, thị trấn Tân Minh người dân phải qua tỉnh Đồng Nai mua nước về để dùng. Riêng ở xã Sông Phan, các thôn đều thiếu nước, tỉnh đã trợ cấp các xã 3 bồn nước di động cung cấp nước cách nhật giải quyết giúp dân. Nói như vậy để thấy giữa đỉnh điểm nắng hạn, vốn cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ở Hàm Tân nói riêng và ở Bình Thuận nói chung đã phát huy hiệu quả.

Giám đốc NHCSXH huyện Hàm Tân, Trần Phước cho biết: “Trong 11 chương trình cho vay, chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn có dư nợ cao, chỉ sau chương trình tín dụng HSSV và hộ nghèo với hàng nghìn lượt hộ vay có dư nợtrên 43 tỷ đồng. Đáng mừng là chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn người dân đều đầu tư đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Đặc biệt ở Hàm Tân có thôn Tân Quang là thôn thuần đồng bào DTTS nên việc giải quyết cho 100% hộ vay để cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bình Thuận”.

Ghi chép của Trần Thi

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác