Hiệu quả từ những mô hình cho vay giải quyết việc làm
Hai vợ chồng trẻ anh Trần Đình Lai ở thôn 4, sức khỏe dư thừa nhưng kinh tế thì thiếu trước, hụt sau. Vì, ngoài chăm sóc 1ha mía thời gian rảnh rỗi anh chị không có việc gì làm để kiếm thêm thu nhập. Muốn nuôi bò, nuôi lợn như nhiều hộ khác trong thôn, trong xã nhưng thiếu cái “đầu tiên” - tiền đâu?.
“Cách đây 3 - 4 năm, gia đình tôi được Hội Nông dân giới thiệu và tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn, sau đó được NHCSXH giải ngân 20 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm cùng với vốn dành dụm, gia đình tôi mua được 1 cặp bò. Cả nhà dồn sức vào chăm sóc. Bò sinh sản đều 1 năm 2 bê, cứ thế nhân dần lên, giờ đây, gia đình tôi đã có đàn bò 6 - 7 con. Không có NHCSXH thì con số này này nằm mơ cũng không thấy”, anh Lai kể.
Phó Chủ tịch UBND xã Phú Long, Bùi Thế Phương cho biết:“Phú Long là một xã thuần nông.Hầu hết số vốn vay từ NHCSXH được người dân đầu tư phát triển trồng mía, dứa, nuôi bò, dê và hiện rất hiệu quả. Đến nay, dư nợ của NHCSXH trên địa bàn xã đạt trên 20 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi này đã và đang được phát huy và giúp bà con nông dân mở rộng sản xuất, tăng thu nhập”.
Còn Cúc Phương là1 trong 3 xã vùng cao của tỉnh Ninh Bình. Dân số ở đây khoảng 12 nghìn dân với 84% là đồng bào dân tộc Mường. Một trong những hộ đầu tiên ở xã được tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ NHCSXH và thành công trong phát triển kinh tế nhờ mô hình nuôi hươu, lợn rừng, gà rừng là hộ ông Hoàng Xuân Thủy ở thôn Bãi Cá.
Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp vất vả, ông Thủy kể: “Cũng như hầu hết bà con các dân tộc trong xã, trước đây gia đình rất khó khăn. Được Hội Nông dân giúp đỡ, sau đó tôi tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn, từ năm 2005 đến năm 2011,gia đình đã 3 lần vay vốn NHCSXH. Từ hộ nghèo được vay 15 triệu đồng, sau đã thoát nghèo, trả hết tiền gốc và lãi, gia đình ông Thủy lại được NHCSXH huyện cho vay chương trình giải quyết việc làm. Nhờ đó, tôi xây dựng gia trại khép kín, áp dụng quy trình sản xuất chặt chẽ, có cán bộ thú y chuyên nghiệp theo dõi”.
Với quy mô trang trại 80m2 đất vườn và gần 1.000m2 khu bán hoang dã, gia đình ông Thủy đầu tư nuôi hươu sinh sản, nhím, lợn rừng. Thời điểm nhiều nhất trong chuồng số lượng lên đến 26 hươu, 50 nhím. Trại lợn rừng mỗi năm nuôi 2-3 lứa, mỗi lứa 25-30 con. Thêm nữa, còn có 60 con gà rừng góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Từ hộ nghèo qua mấy lần vay vốn ưu đãi, từ sản xuất nhỏ lên sản xuất hàng hóa với doanh thu lên đến hàng tỷ đồng/năm, ông Thuỷ trở thành một triệu phú ở vùng đồi Nho Quan.
Theo Chủ tịch UBND xã Cúc Phương, Đinh Văn Xuân, hiện toàn xã có trên 150 hộ lập trang trại, gia trại. Gia trại như gia đình ông Hoàng Xuân Thủy là tiêu biểu của xã được đầu tư hiệuquả từ vốn vay NHCSXH. Nguồn vốn ưu đãi không chỉ giúp đồng bào Cúc Phương giảm nghèo, vươn lên làm giàu mà còn thúc đẩy phong trào thi đua SXKD của nông dân phát triển...
Giám đốc NHCSXH huyện Nho Quan, Vũ Văn Quang cho biết: “Xác định nguồn vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân tạo và duy trì ổn định việc làm, qua đó, góp phần phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.Hàng năm, NHCSXH phối hợp chặt chẽ với UBND, cùng các tổ chức hội, đoàn thể nắm bắt nhu cầu vốn của từng địa bàn, trên cơ sở đó ngân hàng rà soát và phân bổ hợp lý; thực hiện ưu tiên đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động ở địa phương”.
Tính đến nay, dư nợ nguồn vốn giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Nho Quan đạt trên 8 tỷ đồng, với khoảng 600 lượt hộ vay vốn, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,7%.
“Nguồn vốn tuy không nhiều nhưng là “đòn bẩy”, kích thích và hỗ trợ kịp thời cho người lao động đầu tư vào sản xuất, giải quyết việc làm; hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống nhân dân địa phương”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nho Quan, Nguyễn Văn Tùng đánh giá.
Bài và ảnh Hồ Châu
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hành trình tạo lập cơ chế nguồn vốn địa phương để cho vay giảm nghèo bền vững tại TP Hồ Chí Minh
- » Đồng hành cùng nông hộ vùng hạn mặn
- » Bến Tre cho vay hộ nghèo
- » “Điểm tựa” của hộ cận nghèo ở Bắc Giang
- » Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn
- » Đồng hành cùng ngư dân Quảng Bình
- » Nông dân Sông Cầu phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- » Hiệu quả từ các Điểm giao dịch xã ở Long An
- » “Lợi ích kép” từ việc tham gia tiết kiệm
- » Nông dân Hưng Yên có thêm cơ hội thoát nghèo bền vững