Hiệu quả từ các Điểm giao dịch xã ở Long An

25/05/2016
(VBSP News) Đã thành thông lệ, cứ đến ngày 18 hàng tháng, các Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, cũng như hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa (Long An) lại tập trung về UBND xã để nộp tiền lãi, gốc, gửi tiết kiệm... cho NHCSXH. Ngay tại trụ sở UBND xã, tất cả những thông tin liên quan đến hoạt động tín dụng từ biển hiệu chỉ dẫn, bảng nội quy giao dịch đến thông báo các chương trình tín dụng ưu đãi, lãi suất... đều được công khai, niêm yết rõ ràng.
Hộ nghèo phấn khởi nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã của NHCSXH huyện Đức Hòa

Hộ nghèo phấn khởi nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã của NHCSXH huyện Đức Hòa

Là một trong những người dân được vay vốn từ NHCSXH huyện Đức Hòa để đầu tư vào sản xuất, ông Đặng Công Thành ở ấp Thuận Hòa 2, xã Hòa Khánh Nam đã đến Điểm giao dịch của NHCSXH từ sớm để thực hiện giao dịch với ngân hàng. Ông cho biết: “Với lịch trình được ngân hàng quy định cụ thể nên đã giúp gia đình tôi chủ động chuẩn bị tiền lãi, gốc để nộp cho ngân hàng. Vào ngày cố định hàng tháng, bất kể ngày nghỉ, ngày lễ ngân hàng đều đến giao dịch với người dân và quan trọng hơn là khi giao dịch tại xã, chúng tôi đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí trong quá trình đi lại”.

Bà Trần Thị Huống - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Thuận Hòa 2, chia sẻ: “Hiện tại, tổ đang quản lý 56 thành viên, với dư nợ hơn 1,2 tỷ đồng. Tất cả các khâu từ thu lãi, nhận tiền gửi tiết kiệm đều được thực hiện kịp thời tạo điều kiện cho Tổ tiết kiệm và vay vốn giao dịch hiệu quả, nhanh chóng. Điều đáng mừng, từ khi Điểm giao dịch xã đi vào hoạt động, với thời gian cụ thể, ngân hàng đến giao dịch đúng giờ đã tạo thuận lợi cho Ban quản lý tổ. Ngoài việc tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, ngay tại buổi giao dịch, các Tổ trưởng còn được cán bộ tín dụng hướng dẫn nghiệp vụ sổ sách, triển khai nhiều chủ trương, chính sách mới”.

Giám đốc NHCSXH huyện Đức Hòa, Lê Tấn Thành cho biết: “Nhờ thực hiện giao dịch cố định tại xã nên đã góp phần nâng cao ý thức trả nợ, trả lãi của hộ vay, đặc biệt là nợ phân kỳ theo quy định, đồng thời việc đôn đốc thu hồi nợ quá hạn được hiệu quả hơn, nhất là nợ quá hạn khó đòi từ nhiều năm trước”.

Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh Nam, Nguyễn Văn Hùng khẳng định: “NHCSXH tổ chức giao dịch lưu động tại xã có ý nghĩa to lớn về chính trị - xã hội, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận được nguồn vốn của Chính phủ; giao dịch tại xã đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chính quyền cơ sở tham gia quản lý, kiểm tra, giám sát nguồn vốn. Sau mỗi phiên giao dịch, UBND xã cùng với cán bộ ngân hàng, các hội, đoàn thể đều tổ chức họp giao ban để giải quyết những tồn tại, rút kinh nghiệm, từ đó, đưa ra những giải pháp để thực hiện cho tháng tiếp theo; công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay là rất quan trọng, tuy được ủy thác cho các hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét tại cơ sở, nhưng do các cán bộ năng lực còn hạn chế nên UBND xã đã phối hợp với Trưởng ấp tăng cường kiểm tra giám sát, giúp người vay sử dụng vốn đúng mục đích, góp phần phát huy tốt nhất hiệu quả nguồn vốn”.

Qua thực tiễn hoạt động tại NHCSXH tỉnh Long An, từ việc tổ chức thực hiện tốt các Điểm giao dịch xã tại 192/192 xã, phường, thị trấn cho thấy chất lượng tín dụng, chất lượng ủy thác qua các hội, đoàn thể ngày càng được nâng cao, nợ quá hạn giảm dần, nhất là nợ quá hạn khó đòi từ nhiều năm trước. Hoạt động giao dịch xã góp phần giúp hơn 3.320 Tổ tiết kiệm và vay vốn quản lý tốt nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn với hơn 134 nghìn hộ vay, qua việc tổ chức tốt Điểm giao dịch xã đã góp phần xã hội hóa công tác tín dụng chính sách, phát huy dân chủ ở cơ sở; việc quản lý, giám sát của các ngành, các cấp và người dân ngày càng hiệu quả hơn, qua đó đẩy lùi nạn tín dụng đen ở các xã vùng sâu, vùng xa.

Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Long An, Nguyễn Trọng Điệp: “Ngân hàng đã bố trí thời gian giao dịch cụ thể cho 192 Điểm giao dịch từ ngày 03 đến ngày 27 hàng tháng, theo đó cán bộ ngân hàng luôn có mặt tại các Điểm giao dịch theo đúng thời gian đã được thông báo để thực hiện giao dịch với người dân, thời gian qua, Điểm giao dịch của NHCSXH tại các xã hoạt động rất hiệu quả”.

Việc thực hiện tốt các hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, sẽ góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm, ổn định an sinh xã hội tại địa phương, hoạt động của Điểm giao dịch xã là một đặc trưng riêng có của NHCSXH vì mục tiêu phục vụ tốt nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, qua đó một lần nữa khẳng định NHCSXH thật sự là người bạn tận tụy của dân nghèo, giao dịch tại xã là chủ trương đúng đắn, cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Bài và ảnh Minh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác