Nông dân Hưng Yên có thêm cơ hội thoát nghèo bền vững
Trên thực tế, mặc dù tỉnh Hưng Yên có đến trên 40 nghìn hộ gia đình đã ra khỏi danh sách hộ nghèo nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn và khả năng tái nghèo rất dễ xảy ra, chỉ cần rủi ro, gặp lúc mất mùa, ốm đau là sẽ tái nghèo ngay… Bởi vậy, khi Chính phủ cho vay vốn đối với hộ mới thoát nghèo đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp uỷ, chính quyền, hội, đoàn thể các cấp, đặc biệt là đông đảo hộ mới thoát nghèo, bởi nó tiếp tục hỗ trợ cho những đối tượng này được vay vốn chính sách để phát triển SXKD, tạo cơ hội thoát nghèo bền vững.
Từ khi chính sách cho vay hộ mới thoát nghèo có hiệu lực, NHCSXH các huyện, thành phố của tỉnh Hưng Yên đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp xã, phường, thị trấn triển khai kế hoạch giải ngân, giúp các đối tượng tiếp cận nguồn vốn chính sách một cách nhanh chóng, thuận tiện. Cùng với đó, chi nhánh cũng yêu cầu các huyện, xã tập trung tập huấn và tuyên truyền thông qua hệ thống Điểm giao dịch xã, phường và trên các phương tiện truyền thông về chính sách tín dụng của Nhà nước cũng như một số quy định về nâng mức vay, hạ lãi suất một số chương trình tín dụng chính sách cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách.
Với mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, xóm, khối phố nên khâu khảo sát thống kê, bình xét cho hộ mới thoát nghèo vay vốn chính sách đã được tiến hành nhanh gọn, thuận lợi, chính xác, khách quan. Qua 8 tháng triển khai, dư nợ cho vay hộ mới thoát nghèo ở Hưng Yên đạt trên 98 tỷ đồng với 2.610 hộ được vay. Hầu hết hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Đơn cử là chị Vũ Lan Hương ở xã Kim Ngưu, huyện Khoái Châu trước đây là hộ nghèo của xã. Năm 2010 được vay vốn ưu đãi đầu tư nuôi lợn, trồng chuối tiêu hồng, nhãn lai, từ đó kinh tế có bước phát triển, để đến giữa năm 2014, gia đình chị hoàn trả hết nợ gốc, lãi cho ngân hàng.
Tuy thoát cảnh nghèo khó nhưng chị Hương vẫn có nhu cầu và mong được tiếp tục vay vốn chính sách để mở rộng nuôi lợn, gà và thâm canh vườn cây ăn quả. “Thật may mắn, gia đình tôi được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét ưu tiên vay 50 triệu đồng của chương trình hộ mới thoát nghèo để tiếp tục mở rộng sản xuất, chăn nuôi”, chị Hương hồ hởi cho biết.
Tương tự gia đình chị Vũ Thị Thành ở xã Phú Thịnh, huyện Kim Động cũng nhờ sử dụng vốn vay ưu đãi nay đã ra khỏi danh sách hộ nghèo từ cuối năm 2013. Song thời gian qua do không có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn nào khác, do đó dự định phát triển kinh tế gia đình đành phải gác lại. Đang phân vân tìm lời giải thì cuối năm vừa rồi gia đình chị được vay 50 triệu đồng vốn hộ mới thoát nghèo. Nhận vốn lần 2, chị Thành quyết định xây mới chuồng trại mua thêm cặp bò sinh sản và nuôi vịt. Chị vui vẻ nói: “Gia đình rất vui và quyết tâm phát triển chăn nuôi sinh lời, thoát nghèo bền vững trên quê hương”.
Năm 2016, NHCSXH tỉnh Hưng Yên được Trung ương giao khoảng 100 tỷ đồng nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo. Để chương trình thực sự phát huy hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn của hộ mới thoát nghèo, các đơn vị trong toàn tỉnh sẽ đồng hành với các hội, đoàn thể các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về chính sách tín dụng mới đến đối tượng thụ hưởng; đồng thời, chi nhánh đã tiến hành củng cố, nâng cao năng lực các Tổ tiết kiệm và vay vốn, duy trì hoạt động của các Điểm giao dịch xã trên địa bàn nhằm đảm bảo triển khai có hiệu quả chính sách cho vay của Chính phủ.
Bài và ảnh Thanh An
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hành trình tạo lập cơ chế nguồn vốn địa phương để cho vay giảm nghèo bền vững tại TP Hồ Chí Minh
- » Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn
- » Đồng hành cùng ngư dân Quảng Bình
- » Hiệu quả từ các Điểm giao dịch xã ở Long An
- » “Lợi ích kép” từ việc tham gia tiết kiệm
- » Giảm nghèo trên quê hương cách mạng Tuyên Quang
- » Kinh nghiệm từ hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn ở Văn Quan
- » Hộ mới thoát nghèo ở Bắc Ninh được tiếp sức
- » Bình Dương tập trung nguồn vốn cho công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới
- » Nghệ An với công tác giảm nghèo