Vốn chính sách trên cao nguyên Kon Tum

30/05/2016
(VBSP News) Là tỉnh miền núi biên giới, Kon Tum có vị trí địa lý nằm giữa ngã ba Đông Dương. Đây là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn 9.689km2, nhưng dân cư thưa thớt, với mật độ 49 người/km2, đa phần các huyện có trên một nửa số xã thuộc diện vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, thời gian qua cùng với các cấp, các ngành, NHCSXH đã đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến tất cả các buôn, làng, ở 102 Điểm giao dịch xã với 1.615 Tổ tiết kiệm và vay vốn, kịp thời giúp hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS trên địa bàn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững.
Đồng vốn vay ưu đãi đã giúp bà con trên cao nguyên Kon Tum vươn lên thoát nghèo

Đồng vốn vay ưu đãi đã giúp bà con trên cao nguyên Kon Tum vươn lên thoát nghèo

Sau 13 năm hoạt động, đến nay NHCSXH tỉnh Kon Tum đang thực hiện cho vay 13 chương trình tín dụng ưu đãi có tổng dư nợ trên 1.652 tỷ đồng, với hơn 61 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Đặc biệt, sau 3 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, NHCSXH từ các huyện biên giới Sa Thầy, Đăk Glei, Ngọc Hồi đến vùng chuyên canh cây công nghiệp Đắk Tô, Đắk Hà… đã triển khai đồng bộ các giải pháp như sắp xếp, kiện toàn mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn, duy trì hoạt động ở các Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức về quản lý hoạt động tín dụng chính sách, đến cách nghĩ, cách làm của các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác, ý thức có vay, có trả của người dân, dẫn đến chất lượng tín dụng chính sách được nâng lên rõ rệt.

NHCSXH trên địa bàn các huyện, thành phố đã tham mưu cho UBND cùng cấp thành lập Ban chỉ đạo thu hồi nợ quá hạn gồm đại diện chính quyền, các cơ quan bảo vệ pháp luật, các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, lãnh đạo UBND cấp xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để hỗ trợ thu hồi nợ; đồng thời, các thôn, Tổ dân phố giao nhiệm vụ cho Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện việc quản lý vốn tín dụng chính sách, tổ chức giám sát, bình xét cho vay, giám sát quá trình sử dụng vốn của hộ vay, cũng như đôn đốc, xử lý thu hồi nợ kịp thời, đầy đủ.

Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp người dân trên cao nguyên Kon Tum bám đất, bám làng, phát triển sản xuất và thay đổi cả nhận thức để vươn lên thoát nghèo, dựng xây cuộc sống mới. Tiêu biểu như gia đình chị A Nhen ở xã Đắk La, huyện Đắk Hà, với 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi đã cải tạo và chăm sóc vườn cao su xanh tốt. “Từ vốn vay ưu đãi mà nhà mình xua đi hẳn cái nghèo. Vừa qua, dù giá mủ cao su có thấp nhưng mỗi ngày cũng thu được 300 nghìn đồng, chẳng riêng gì nhà mình mà nhiều hộ dân trong thôn nhờ NHCSXH cho vay vốn để trồng cao su đã không còn khổ nữa”, chị A Nhen phấn khởi nói.

Còn ở thôn 2, xã Đắk Mar gia đình ông Trần Công Thạng, quê ở Hải Dương vào Tây Nguyên làm kinh tế mới, trước đây có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn sản xuất. Năm 2012, được Hội CCB xã giới thiệu, ông Thạng đã được vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng mô hình VAC. Đến nay, cơ ngơi của ông đã có 1ha cà phê đã vào vụ thu hoạch và 2ha cao su trồng mới cùng đàn lợn giống hàng trăm con… Nhờ ăn nên làm ra, gia đình ông Thạng không những hoàn trả đầy đủ nợ vay cho ngân hàng, còn tiết kiệm mua sắm máy cày đất, xe tải chở vật tư nông nghiệp phục vụ bà con trong thôn, xã.

Để đồng vốn chính sách phát huy hiệu quả cao hơn nữa, NHCSXH tỉnh Kon Tum tiếp tục chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể tiếp tục khảo sát nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách, phấn đấu đáp ứng cho 100% hộ nghèo và đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp; đưa tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm đạt từ 10% - 15% và đưa tỷ lệ nợ quá hạn xuống dưới 0,3%.

Bài và ảnh Ngọc Tuấn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác