Niềm vui nhân đôi
Con đường bê tông vừa mới được nâng cấp nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đưa chúng tôi đến thăm gia đình chị Đoàn Thị Huyền ở xóm Hợp Trùa, xã Hương Minh, huyện Vũ Quang vay vốn ưu đãi từ chương trình tín dụng giải quyết việc làm để chăn nuôi lợn theo hình thức liên kết với doanh nghiệp. Trên bãi đất rộng đã được san lấp mặt bằng, gia đình đang tập kết vật liệu xây dựng để chuẩn bị xây dựng mô hình, chị Huyền cho biết: “Những năm gần đây, các gia đình ở xã Hương Minh phát triển mạnh mô hình chăn nuôi lợn quy mô vừa và nhỏ. Ấp ủ dự định đã lâu, nhưng bây giờ khi được NHCSXH cho vay vốn với lãi suất ưu đãi thì gia đình tôi mới có đủ điều kiện để thực hiện mong muốn của mình. May mắn vừa rồi là mức vay đã được Nhà nước nâng lên 50 triệu đồng/lao động, vừa đủ chi phí xây chuồng, làm bể biogas; gia đình chỉ cần lo vốn quay vòng sản xuất. Quy mô chăn nuôi của gia đình tôi khoảng 30 con/lứa, mỗi năm 3 lứa, dự kiến sẽ cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm”.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Lê Tuấn Anh, hiện dư nợ cho vay của NHCSXH ủy thác qua Hội Nông dân cao nhất ở xã Hương Minh, trong đợt này xã có 3 mô hình được vay vốn giải quyết việc làm để tham gia Tổ hợp tác chăn nuôi số 4 gồm 10 thành viên vừa được thành lập. Mức cho vay mới được nâng lên đã giúp hộ vay chủ động hơn về nguồn đầu tư. Phát triển theo hướng xây dựng mô hình chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm, sẽ giúp cho các hộ vay phát huy cao hiệu quả nguồn vốn.
Bên cạnh đó, niềm vui cũng đến với các gia đình vay vốn chương trình tín dụng học sinh, sinh viên khi mức cho vay tăng từ 1.100 nghìn đồng/người/tháng lên 1.250 nghìn đồng/người/tháng. Gia đình anh Trần Đức Tú ở thôn 10, xã Phúc Trạch bày tỏ: “Tôi vừa được nhận số tiền vay 6,25 triệu đồng cho 5 tháng học kỳ II của con trai là Trần Đức Tính hiện đang học trường Cao đẳng Công thương TP Hồ Chí Minh. Với gia đình nông dân thuần túy như chúng tôi, thêm một đồng là bớt một phần gánh nặng, bởi vậy với mức vay mới như hiện nay đã giúp gia đình tôi yên tâm hơn để cố gắng lo cho con học hành. Hy vọng với sự tiếp sức của chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, con trai tôi sẽ hoàn thành chương trình học tại trường và sau khi ra trường sẽ tìm được việc làm để trả nợ ngân hàng”.
Hiện nay, nhiều chương trình tín dụng chính sách được điều chỉnh theo hướng mở rộng, nâng mức cho vay, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh càng tăng thêm trách nhiệm và có cơ hội đồng hành hiệu quả hơn với người dân. Bên cạnh việc kịp thời triển khai các văn bản hướng dẫn của Trung ương đến NHCSXH huyện, thị; chủ động phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác tuyên truyền chính sách mới tới tận người dân, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh còn tập trung thu hồi vốn đến hạn để quay vòng cho vay đối với các chương trình chưa có nguồn phân bổ mới trong năm như chương trình giải quyết việc làm, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, thương nhân miền núi tại vùng khó khăn… Doanh số cho vay 3 tháng đầu năm 2016 đạt gần 210 tỷ đồng, trong đó, có hơn 90 tỷ đồng cho vay các chương trình được áp dụng mức lãi suất và mức cho vay mới.
Giám đốc NHCSXH huyện Hương Khê, Lê Viết Thông cho biết: “Ngay sau khi nhận được văn bản hướng dẫn, đơn vị đã báo cáo, tham mưu Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện để chỉ đạo triển khai thực hiện, phổ biến cơ chế chính sách các chương trình tới chính quyền địa phương, hội, đoàn thể nhận ủy thác và mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn, công khai tại Điểm giao dịch xã để người dân biết và thực hiện. Đối với chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, NHCSXH phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn sớm hoàn thành các thủ tục để nâng mức cho vay cho đối với hàng nghìn hộ đã có dư nợ và đang tiếp tục nhận tiền vay, đồng thời giải ngân đối với các hộ gia đình mới vay lần đầu theo mức vay mới”.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phúc Trạch, Trần Thị Thu Dung chia sẻ: Thông tin về các quy định mới của nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã được hội phổ biến cụ thể tới tận các hội viên thông qua các buổi sinh hoạt. Hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở xã miền núi khó khăn này rất vui mừng khi có được cơ hội nâng mức vay vốn các chương trình tín dụng ưu đãi.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh, Lưu Văn Minh thông tin: “Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, chúng tôi đã thực hiện điều chỉnh về mức vay, thời hạn, đối tượng đối với các chương trình cho vay giải quyết việc làm, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thương nhân miền núi tại vùng khó khăn, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn… Cùng với việc tập trung hoàn thành công tác đối chiếu, phân tích nợ của hộ vay, chi nhánh đang tích cực, quyết liệt chỉ đạo NHCSXH các huyện, thị xã tập trung cán bộ, phương tiện, phối hợp UBND, các hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp xã, các Tổ tiết kiệm và vay vốn để giải ngân (kể cả tăng phiên giao dịch ngoài phiên giao dịch cố định hàng tháng) hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao”.
Có thể khẳng định, việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý nâng mức vay các chương trình tín dụng ưu đãi đã góp phần to lớn trong việc tiếp sức cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên hành trình giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bài và ảnh Mai Thủy
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hành trình tạo lập cơ chế nguồn vốn địa phương để cho vay giảm nghèo bền vững tại TP Hồ Chí Minh
- » Hiệu quả từ những mô hình cho vay giải quyết việc làm
- » Đồng hành cùng nông hộ vùng hạn mặn
- » Bến Tre cho vay hộ nghèo
- » “Điểm tựa” của hộ cận nghèo ở Bắc Giang
- » Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn
- » Đồng hành cùng ngư dân Quảng Bình
- » Nông dân Sông Cầu phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- » Hiệu quả từ các Điểm giao dịch xã ở Long An
- » “Lợi ích kép” từ việc tham gia tiết kiệm