Sống khỏe nhờ tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn
Đến thăm hộ gia đình chị Trần Thị Quyên ở thôn Lang Ca, xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp, chúng tôi thật bất ngờ với khuôn viên vườn nhà của gia đình. Mọi thứ đều được chăm chút sạch sẽ; nhà vệ sinh, giếng nước, khu rửa tay chân cũng được chị sắp xếp khoa học. Chị Quyên vui mừng chia sẻ: “Tích cóp mãi, đợt vừa rồi hai vợ chồng tôi mới xây được căn nhà mái bằng nhỏ này. Đáng lẽ ra chưa xây được khu vệ sinh đâu nhưng nhờ được NHCSXH tạo điều kiện cho vay 12 triệu đồng từ nguồn vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nên gia đình mới có cơ hội làm luôn. Giờ mỗi lần con cái đưa các cháu về nhà ông bà chơi không phải lo chỗ vệ sinh, giặt giũ nữa”.
Cách nhà chị Quyên khoảng 500m, gia đình chị Đinh Thị Thu cũng là một trong những hộ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Chị Thu cho biết, trước đây gia đình dùng nước giếng để tắm giặt, còn nước ăn chủ yếu dùng nước mưa, nhà tắm, nhà vệ sinh thì tạm bợ. Năm 2015, được NHCSXH cho vay 12 triệu đồng từ nguồn vốn nước sạch cùng với nguồn kinh phí tự có, gia đình chị đã xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh đồng bộ khép kín gồm nhà tắm, nhà vệ sinh, hệ thống máy bơm, bể lọc nước, bể chứa nước, đảm bảo nước sạch sinh hoạt cho cả gia đình.
Theo Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Sơn, Chị Đoàn Thị Nê, từ nhận thức nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh có tác động lớn tới đời sống sức khoẻ của người dân, nhất là đối với nhân dân vùng khó khăn, Hội Phụ nữ xã đã coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho phụ nữ nói riêng và cộng đồng nói chung. Từ đó, nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ về bảo vệ môi trường đã thay đổi, người dân hướng đến việc sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và hình thành hành vi ứng xử thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, nhờ nguồn vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của NHCSXH đã giúp hàng trăm hộ gia đình ở đây đầu tư xây dựng được các công trình đồng bộ, khép kín như nhà vệ sinh, bể lọc nước, giếng khoan phục vụ sinh hoạt.
Đến nay, trên địa bàn xã, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 80%; tỷ lệ hộ dân ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh được nâng lên, nhiều chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm được người dân đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải an toàn, sạch sẽ, góp phần cùng địa phương thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Theo Lãnh đạo NHCSXH TP Tam Điệp, trong 3 năm trở lại đây, toàn thành phố đã có gần 2.250 hộ dân được vay vốn chương trình NS&VSMTNT với tổng số tiền gần 24 tỷ đồng; còn tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay, đơn vị đã giải ngân cho gần 300 hộ vay, với tổng số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này đã có hàng nghìn công trình nước sạch, vệ sinh được xây dựng, góp phần nâng tỷ lệ người dân ở khu vực nông thôn của thành phố Tam Điệp được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên hơn 92%, số hộ dân ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, chuồng trại hợp vệ sinh cũng tăng lên.
Thời gian tới, để hộ dân ở các khu vực nông thôn trên địa bàn được sử dụng nước sạch và có nhà vệ sinh đảm bảo chất lượng nhiều hơn nữa, NHCSXH TP Tam Điệp sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở khu vực nông thôn tiếp cận và vay vốn với lãi suất ưu đãi để xây dựng các công trình nước sạch và công trình vệ sinh. Mặt khác, đẩy mạnh công tác thu nợ, thu lãi đúng kỳ hạn để nguồn vốn được tiếp tục xoay vòng, tạo cơ hội cho hộ khác được tiếp cận.
Bài và ảnh Hà Phương
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hành trình tạo lập cơ chế nguồn vốn địa phương để cho vay giảm nghèo bền vững tại TP Hồ Chí Minh
- » Đồng bào ở Hàm Tân vui với nguồn vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn
- » Vốn chính sách trên cao nguyên Kon Tum
- » Vốn ưu đãi giúp nhiều hộ dân nâng cao đời sống
- » Niềm vui nhân đôi
- » Hiệu quả từ những mô hình cho vay giải quyết việc làm
- » Đồng hành cùng nông hộ vùng hạn mặn
- » Bến Tre cho vay hộ nghèo
- » “Điểm tựa” của hộ cận nghèo ở Bắc Giang
- » Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn