Đồng vốn chính sách giúp nông dân “vượt bão”

03/06/2016
(VBSP News) Quận Hà Đông những năm trước đây nhiều nơi “say” trong “cơn say” giải phóng mặt bằng các dự án, nông dân nhận được tiền đền bù nhưng không biết đầu tư, lại sinh tâm lý ngại lao động khiến nhiều hộ nhanh chóng rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cần vốn để SXKD, tạo việc làm. NHCSXH quận Hà Đông đã chủ động báo cáo Quận ủy, HĐND, UBND quận cũng như các đơn vị, đoàn thể liên quan theo tinh thần Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng, giữ cho đồng vốn chính sách trên địa bàn quận không ngừng tăng trưởng đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân và trở thành đơn vị dẫn đầu của NHCSXH TP Hà Nội về đồng vốn giải quyết việc làm (GQVL) do ngân sách quận ủy thác.
Vườn lan có giá trị kinh tế cao của hộ gia đình anh Ngô Xuân Thu

Vườn lan có giá trị kinh tế cao của hộ gia đình anh Ngô Xuân Thu

Đến thăm mô hình trồng hoa lan giá trị cao của hộ gia đình anh Ngô Xuân Thu ở Tổ dân phố số 7, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông mới thấy hết được ý nghĩa của đồng vốn chính sách trong việc giúp đỡ nông dân những lúc khó khăn cũng như khuyến khích họ làm giàu, yêu lao động. Anh Thu tâm sự: Đã có giai đoạn nông nghiệp ở đây bị nông dân coi nhẹ do được nhiều tiền đền bù giải phóng mặt bằng, nhưng không như nhiều người khác, anh nghĩ, mình sinh ra vốn là nhà nông, không làm việc thì miệng ăn núi lở. Nhân chính quyền địa phương tổ chức các lớp đào tạo nghề cho nông dân gắn với vay vốn của NHCSXH, anh Thu đăng ký tham gia học nghề trồng lan. Bốn năm gắn bó với nghề mới này, nhờ ham học hỏi, lại được NHCSXH ủy thác qua Hội Nông dân phường cho gia đình anh vay những đồng vốn đầu tiên để khởi nghiệp. Trả hết nợ, anh tiếp tục vay 50 triệu đồng từ nguồn vay giải quyết việc làm để đầu tư 5.000 giỏ lan cùng với hệ thống tưới nước tự động, làm nhà khung có mái che đảm bảo ánh sáng, nhiệt độ tốt nhất cho cây lan phát triển.

Ông Nguyễn Văn Chính - Phó Chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa khẳng định: Phường coi đồng vốn chính sách xã hội là điểm tựa quan trọng cho nông dân hậu thu hồi đất vừa góp phần giải quyết việc làm cho nông dân, vừa giúp nông dân xây dựng được các mô hình nông nghiệp mới giá trị cao như mô hình trồng rau an toàn, trồng cây ăn quả.

Chẳng vậy mà, bà Nguyễn Thị Dung - Chủ tịch Hội phụ nữ xã xúc động nói: “Nhờ  đồng vốn chính sách giúp nông dân có động lực vươn lên trong cuộc sống, nhiều người tích cực, chí thú làm ăn mà đời sống xã hội của phường có sự chuyển biến tích cực. Hậu đền bù giải phóng mặt bằng, nhiều nông dân nhanh chóng tiêu hết tiền, không có thu nhập ổn định, con cái không có công ăn việc làm… dẫn tới nhiều hệ lụy buồn. Tuy vậy với gần chục tỷ đồng nguồn vốn NHCSXH đã thổi một luồng gió mới cho không khí làm ăn của nông dân”.

Sau đào tạo nghề, nông dân định hướng được nghề nghiệp, đa phần với các lao động trên 40 tuổi đều quay lại với nông nghiệp. Đặc biệt chính quyền địa phương khuyến khích nông dân phát huy tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao vùng bãi ven Đáy giúp nông dân sống được từ nghề nông. Đến nay, cùng với quyết tâm của chính quyền địa phương và nguồn vốn vay từ NHCSXH, Yên Nghĩa được biết đến là điểm sáng về hỗ trợ nông dân vượt bão hậu thu hồi đất, bài học cho nhiều địa phương khác.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc NHCSXH quận Hà Đông, Nguyễn Hoàng Sơn cho hay: “Những năm trước đây, Hà Đông nổi lên là một điểm sáng trong việc bố trí ngân sách ủy thác qua NHCSXH xây dựng Quỹ vốn giải quyết việc làm, trong năm 2016, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần của Chị thị 40, quận Hà Đông vẫn dành tiếp kinh phí 3 tỷ đồng bổ sung vào nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nâng số vốn lên 35 tỷ đồng. Nông dân trên địa bàn quận kỳ vọng nguồn vốn sẽ tiếp tục tăng trưởng qua mỗi năm để đáp ứng được nhu cầu của người dân, một mặt giúp họ phát triển sản xuất, đảm bảo đời sống  trong quá trình đô thị hóa, mặt khác giúp nông dân thêm tin tưởng vào chính sách, chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước”.

Bài và ảnh Sơn Tùng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác