Nỗ lực vượt khó cùng huyện miền núi Vĩnh Thạnh

14/06/2016
(VBSP News) Hoạt động ở miền núi nơi có nhiều đèo cao, suối sâu, dân cư không tập trung, lại là huyện nghèo nhất nước nhưng NHCSXH huyện Vĩnh Thạnh đã nỗ lực vượt khó, bền bỉ, năng động trong việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến khắp làng, xã, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn sản xuất cho từng hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS, góp phần đánh thức, đổi thay cả vùng đất nghèo, trở thành “lá cờ đầu” của NHCSXH tỉnh Bình Định.
Một buổi sinh hoạt của Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Định Tam, xã Vĩnh Hảo

Một buổi sinh hoạt của Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Định Tam, xã Vĩnh Hảo

Theo Giám đốc NHCSXH huyện Vĩnh Thạnh, Nguyễn Tấn Định, có được kết quả đó là cùng với việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT cấp huyện đã nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã và nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín dụng ở cơ sở. NHCSXH huyện còn thực hiện công khai, đầy đủ các chính sách tín dụng tại các Điểm giao dịch xã và duy trì hoạt động của 131 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở 57 thôn, làng; đồng thời triển khai cho vay ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể ở 8 xã, thị trấn trong toàn huyện. Việc giải ngân nguồn vốn ưu đãi cũng nhanh chóng, đúng quy trình hơn.

Nhờ đó, các hội, đoàn thể từ xã đến cơ sở đã nhận thức được trách nhiệm của mình, phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng trong việc thực hiện nhiệm vụ uỷ thác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn đã làm tốt khâu bình xét cho vay vốn đảm bảo công khai, minh bạch và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đối chiếu dư nợ, xử lý nợ quá hạn, nhằm nâng cao chất lượng tín dụng.

Tính đến nay dư nợ của NHCSXH huyện Vĩnh Thạnh đạt trên 168 tỷ đồng với trên 3.000 hộ vay vốn, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo trên 48 tỷ đồng, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 21 tỷ đồng, hộ cận nghèo 18 tỷ đồng…

Ở huyện nghèo Vĩnh Thạnh đã và đang có nhiều người thoát nghèo nhờ đồng vốn chính sách. Điển hình là gia đình ông Nguyễn Văn Nhẫn ở thôn Định Quang, xã Vĩnh Quang. Năm 2014 được vay 30 triệu đồng hộ nghèo để trồng điều và đầu tư chăn nuôi bò và thỏ. Vợ chồng ông còn được vay 25 triệu đồng từ chương trình tín dụng HSSV để chu cấp cho 2 con theo học đại học. Hiện nay, nhà ông đã có 5 con bò, 1 vườn điều 2ha xanh tốt cho thu nhập 50 triệu đồng/năm. Con trai, con gái của ông cũng vừa tốt nghiệp ra trường có việc làm và đang cùng bố mẹ hoàn trả vốn vay cho Nhà nước.

Hay như chị Đinh Thị Đem ở làng K3, một trong những hộ thoát được nghèo từ vốn vay ưu đãi cho biết, trước đây gia đình gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, đất đai nhiều nhưng do chưa biết áp dụng KHKT vào sản xuất nên kinh tế cũng chỉ đủ ăn. Từ khi tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, được cán bộ hội, ngân hàng tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, cùng với số vốn 30 triệu đồng vay từ NHCSXH đã giúp chị thay đổi cách nghĩ, cách làm. Chị Đem đầu tư chăn nuôi bò, trồng keo và bời lời kết hợp trồng mì cao sản. Hiện nay, mỗi năm gia đình chị thu nhập từ chăn nuôi và trồng trọt được gần 40 triệu đồng.

Có thể nói, đồng vốn của NHCSXH đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trong huyện có việc làm, từng bước tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. NHCSXH huyện Vĩnh Thạnh đang phấn đấu trong năm nay dư nợ sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2015, thu lãi đạt tỷ lệ 100%. Bên cạnh đó sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để bà con hiểu, tiếp cận vay được vốn tín dụng ưu đãi, đầu tư mở rộng SXKD, vươn lên thoát nghèo bền vững; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; củng cố, kiện toàn hoạt động các Điểm giao dịch xã, đảm bảo chất lượng, góp phần chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách kịp thời, hiệu quả, quyết tâm giữ vững “lá cờ đầu” của NHCSXH tỉnh Bình Định.

Bài và ảnh Lê Diệu Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác