Sức sống mới trên quê hương Nghĩa Đàn

02/06/2016
(VBSP News) Từ 17% hộ nghèo năm 2014 đến hết 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đã giảm còn 8,5%, một trong những yếu tố dẫn đến thành công này là nhờ vào nguồn vồn chính sách xã hội đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), hộ mới thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Vốn vay ưu đãi giúp các hộ gia đình mạnh dạn đầu tư mở lò ép mía

Vốn vay ưu đãi giúp các hộ gia đình mạnh dạn đầu tư mở lò ép mía

Vốn ưu đãi phát huy hiệu quả

Mùa này, các ngả đường vào các thôn, xóm xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đi đâu cũng thơm nức mùi mật mía, bên cạnh đó là những bãi cam xanh mướt, những trang trại dê, gà, vịt… Theo chân ông Phạm Văn Lan - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng chúng tôi ghé thăm gia đình ông Phạm Văn Bình khi gia đình đang hăng say làm mật mía. Ông Lan cho biết, trong xóm nhiều gia đình làm mật mía để bán nên kinh tế cũng phần nào ổn. Gia đình ông được vay 30 triệu đồng vốn hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn của NHCSXH, chung với một hộ trong xóm nữa mua máy móc, thiết bị để làm mật mía, sẵn với nguyên liệu là mía trồng được. “Mỗi ngày 5 người vừa ép mía, vừa nấu, vừa đi chặt mía cũng được 4 phi mật. Mỗi phi bán được với giá hơn 3 triệu đồng, nên cũng có đồng ra đồng vào…”, ông Bình nói.

Ông Võ Đình Khoa - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm 13 cho biết, cả xóm có 34 thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ nào cũng được vay vốn chính sách để phát triển kinh tế. Hiện hộ ít nhất vay 15 triệu đồng mua trâu bò, hộ nhiều nhất vay 50 triệu đồng chăn nuôi, trang trại… Gia đình ông cũng vay gần 40 triệu tiền vay vốn HSSV cho hai đứa con đi học. “Gia đình kinh tế cũng chỉ dựa vào cây mía, làm mật. Nhờ vốn vay chính sách, gia đình mới dám cho con đi học chứ không chắc cũng khó có tiền đầu tư cho con…”, ông Khoa chia sẻ.

Tiếp tục hướng đến hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo “khát” vốn

Tìm đến trang trại ông Đinh Bình Ngọc tại xóm 6, xã Nghĩa Hưng khi ông đang cho đàn dê ăn. Ông Ngọc là gia đình thuộc diện cận nghèo của địa phương, năm 2011 ông được ưu đãi vay vốn chính sách hộ nghèo với số tiền 30 triệu đồng. Số tiền được sử dụng để mua dê về chăn nuôi, cải tạo lại 5000m2 hồ nuôi cá và nuôi thả vịt. Sau 5 năm, số dê đã sinh sản được 15 con lớn bé, ông còn mạnh dạn đầu tư trồng 150 gốc cam đang phát triển rất tốt, gần 100 con ngan, vịt và hàng trăm con gà.  

“Gia đình vừa trả được số tiền vay vốn, đang xin vay thêm 40 triệu đồng vốn để đầu tư nuôi thêm vài cặp bò, trồng thêm cam. Gia đình nhờ vốn vay ưu đãi nay mới có gia sản này chứ không chắc cũng đi làm thuê kiếm sống thôi…”, ông Ngọc cho biết.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng, Phan Phúc Vinh cho biết: “Đồng bào DTTS nói riêng và những hộ nghèo, cận nghèo và nhân dân xã Nghĩa Hưng có được bộ mặt như ngày hôm nay cũng nhờ nhiều vào vốn vay của NHCSXH. Trước đây thanh niên trong xã lớn lên là đi miền Nam làm công nhân nhiều nhưng những năm gần đây, nhiều trang trại, nhiều mô hình làm kinh tế cũng như nhiều gia đình trong địa phương thoát được nghèo, làm kinh tế vươn lên, tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định hơn nên số người dân ở nhà làm ăn cũng nhiều hơn so với trước. Đây là một tín hiệu tốt, bà con rất muốn có nhiều chương trình cho vay được triển khai hơn nữa để họ có điều kiện tiếp cận vốn vay làm kinh tế…”.

Lãnh đạo NHCSXH huyện Nghĩa Đàn, cho biết năm 2015 vừa qua, ngân hàng đã giải ngân cho vay cho vay 87.937 triệu đồng, dư nợ đạt 313.456 triệu đồng, hệ số sử dụng vốn 99,9%. Trong thời gian tới NHCSXH huyện Nghĩa Đàn tập trung tiếp tục đáp ứng nhu cầu vay vốn của bà con, giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo và tạo điều kiện cho số hộ mới thoát nghèo đang tăng lên tiếp tục sản xuất, thoát nghèo bền vững. 

Bài và ảnh Ngô Toàn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác